Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho biết, thu hút FDI năm 2020 nhìn chung có sụt giảm so với 2019, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn rất nhiều quốc gia khác.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư quốc tế

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, gia tăng chi phí toàn cầu. Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cần thiết (như phong tỏa, cách ly xã hội, đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh) đã làm các hoạt động kinh tế xã hội tại nhiều quốc gia bị tê liệt.

Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều có chung nhận định đại dịch dự kiến sẽ làm giảm ít nhất 30% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021, mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ.

Tại Việt Nam, do tác động của Covid - 19, hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đang bị trì hoãn, gián đoạn, như: (i) hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư…; (ii) việc nhập cảnh, đi lại của các nhà đầu tư; (iii) việc chuyển vốn, máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất… đã dẫn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2020 giảm sút so với năm 2019, đặc biệt là giảm sút mạnh về vốn đăng ký.

Tính đến 20/12/2020, tổng vốn đăng ký (bao gồm: cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó giảm sút mạnh nhất là phần góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 51,7%, vốn đăng ký cấp mới giảm 12,5%, còn vốn đăng ký điều chỉnh lại tăng 10,6%.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98,0% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ giảm 2%.

Đáng chú ý, trong năm 2020 nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã dịch chuyển dòng đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là đầu tư mới và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, điển hình như Foxcom và nhiều thương lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... (điển hình như các dự án quy mô lớn đã được đầu tư và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang...).

“Kết quả này cho thấy, mặc dù thu hút FDI năm 2020 nhìn chung có sụt giảm so với 2019, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn rất nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của giới đầu tư quốc tế, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư tại Việt Nam (thể hiện ở vốn đăng ký điều chỉnh năm 2020 tăng 10,6% so với 2019)”, ông Thúy nhận định.

Cùng với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả và được quốc tế đánh giá cao của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xu hướng dịch chuyển FDI?

Đánh giá về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI hiện tại và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong xu thế dịch chuyển toàn cầu này, ông Thúy cho rằng, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và tái cơ cấu đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia đã diễn ra từ nhiều năm nay và trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây.

Nguyên nhân là do: (i) xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn; (ii) giảm rủi ro sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của một quốc gia, một đối tác.

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình dịch chuyển này và hình thành xu hướng rút dần đầu tư quay trở về trong nước, hoặc mở rộng đầu tư sang các quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh.

Trong bối cảnh xu hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang hướng tới những nền kinh tế, như: Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… để tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư. Trong xu thế đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về thu hút FDI trong xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư này, theo ông Thúy, đó là:

(1) Tình hình chính trị ổn định; kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm.

(2) Thực hiện nhiều ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi về đất đai, thuế.

(3) Hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới với việc chủ động tham gia và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; EVFTA cùng với CPTPP được coi là 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam. Không chỉ các doanh nghiệp nội địa mà nhiều doanh nghiệp FDI, đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định này.

(4) Nguồn lao động dồi dào, trẻ, năng động, có kiến thức;

(5) Thị trường tiềm năng và rộng lớn với dân số tiệm cận 100 triệu người;

(6) Tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh môi trường đầu tư;

(7) Vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm của khu vực Châu Á, kết nối giữa Trung Quốc với các nước ASEAN; thời gian bay đến các trung tâm kinh tế lớn và năng động, như: Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN rất ngắn.

“Với việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong hiện tại và trong tương lai”, ông Phạm Đình Thúy khẳng định./.