Tiềm năng lớn phát triển điện gió tại Việt Nam

Theo các số liệu nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính nằm trong khoảng từ 160 GW đến gần 500 GW. Với tiềm năng dư địa lớn này, Orsted đánh giá Việt Nam là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với đường biển dài hơn 3000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với chi phí thấp và độ tin cậy cao.

Ông Sebastian Hald Buhl, Giám Đốc Quốc Gia Orsted tại Việt Nam giới thiệu về tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam

“Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện tối ưu để phát triển điện gió ngoài khơi. Với cơ sở pháp lý phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra một ngành công nghiệp sôi động, không chỉ mang lại cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra sản lượng năng lượng tái tạo lớn và ổn định. Chúng tôi đánh giá đây là một thị trường quan trọng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và rất hào hứng khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi tin rằng năng lượng gió ngoài khơi có khả năng cung cấp nguồn điện cạnh tranh và đáng tin cậy cho người dân cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế”, ông Matthias Bausenwein, Chủ tịch Orsted Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế lớn, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện các khung khổ pháp lý cũng như có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo một cách ổn định, dễ tiên liệu, đặc biệt là chính sách giá mua điện đối với điện gió và điện mặt trời để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư phê duyệt cũng như cấp phép cần thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện và phát triển dự án cũng như thuận lợi trong việc quản lý, thiết kế và mua sắm các lắp đặt các thiết bị vận hành nhà máy điện. Hơn nữa chi phí xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi thường cao hơn nhiều so với điện gió trên bờ, các công nghệ và quá trình xây dựng cũng phức tạp hơn rất nhiều so với các dự điện gió trên bờ. Do đó các nhà đầu tư mong muốn có các chính sách ổn định để đảm bảo tính hiệu quả dài hạn cho dự án, tránh các rủi ro trong quá trình triển khai dự án do tác động từ sự thay đổi chính sách.

Quan tâm dự án tại Quy hoạch điện VIII

Chia sẻ về kế hoạch đặt chân vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Sebastian Hald Buhl, Giám Đốc Quốc Gia Orsted tại Việt Nam cho hay năm 2021, Tập đoàn Orsted quyết định mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội và xây dựng một đội ngũ chuyên gia tại địa phương để tìm hiểu và khai thác các cơ hội đầu tư phát triển dự án tại Việt Nam.

Tuy chưa tiết lộ cụ thể thông tin về tổng mức đầu tư và kế hoạch cụ thể tại thời điểm này, đại diện Orsted thông tin hiện tập đoàn đang làm việc sát sao với các cơ quan chính phủ và đối tác địa phương để nghiên cứu một số dự án đang quan tâm, trong đó đặc biệt là một số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong Quy hoạch điện VIII.

“Để phát huy tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu và tham vọng trong Quy hoạch Điện VIII, trong đó đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện tái tạo lên mức khoảng 30% vào năm 2030. Chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng với đối tác địa phương, các cơ quan Nhà nước để hỗ trợ Việt nam thực hiện chuyển đổi xanh, giảm thiểu khí thải carbon và cung cấp năng lượng tái tạo cho hàng triệu gia đình và doanh nghiệp trên khắp cả nước”, ông Sebastian khẳng định. Ông Sebastian Hald Buhl cũng nhấn mạnh với tầm nhìn dài hạn xuyên suốt từ khâu phát triển dự án cho tới bước đưa vào vận hành cùng kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, Orsted cam kết thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương và mang trọn vẹn những lợi ích của điện gió ngoài khơi đến cho Việt Nam.

Cũng theo đại diện Orsted, tập đoàn hướng đến phát triển các dự án điện gió ngoài khơi khá xa, thường cách bờ từ 20km trở lên, thậm chí có những dự án ngoài khơi 50km nên đảm bảo an toàn cho hoạt động dánh bắt thủy hải sản và tàu bè đi lại, đồng thời không ảnh hưởng tới bất cứ hoạt động du lịch nào của địa phương cũng như đối với môi trường. “Chúng tôi rất chú trọng chất lượng của các dự án trên các phương diện. Do đó, các dự án này thực sự thân thiện với môi trường và hướng đến tạo ra hàng ngàn việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất điện gió cho nhiều đối tác, nhà cung cấp trong nước cũng như lao động địa phương”, ông Sebastian khẳng định.

Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối dẫn đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đã phát triển thành công phát triển các dự án điện gió lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Tập đoàn này chiếm khoảng 26% thị phần thị trường đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi toàn cầu.

Với 30 năm kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Orsted đã thực hiện chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và hướng tới trở thành doanh nghiệp trung hòa carbon (carbon-neutral) vào năm 2025. Công ty hiện đang cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến nâng con số này lên đến 30 triệu vào năm 2025.

Mục tiêu của Orsted là tạo ra một thế giới vận hành hoàn toàn dựa vào năng lượng xanh nhằm góp phần hành động chống biến đổi khí hậu thông qua việc phát triển các dự án năng lượng xanh. Theo đó, Orsted phát triển, xây dựng và vận hành những công trình điện gió ngoài khơi và điện gió trên đất liền, những hệ thống trang trại năng lượng mặt trời, các cơ sở lưu trữ năng lượng, nhà máy năng lượng sinh học. Cổ phẩn của Orsted được đưa vào biểu giá chính thức tại sàn giao dịch cổ phiếu Nasdaq Copenhagen (Orsted). Trong năm 2020, tổng doanh thu của tập đoàn là 7.1 tỷ EUR (trên 8,6 tỷ USD), lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD.