Thủ tướng trong văn bản đồng ý bổ sung Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định (Dự án Victory) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam với công suất chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm và tiến độ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của Dự án, phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các qui định pháp luật khác có liên quan.

UBND tỉnh Bình Định thực hiện việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo.

Trong quá trình triển khai Dự án, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Định cần lưu ý: Dự án phải đáp ứng yêu cầu công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại; tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm của Dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, bảo đảm về an toàn và bảo vệ môi trường; làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư, của Nhà nước và tỉnh Bình Định trong Dự án; rà soát chặt chẽ về tính pháp lý trước khi cấp phép, nhất là các điều khoản về cam kết trách nhiệm của phía Việt Nam...

Thủ tướng cũng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Bình Định trong việc rà soát về pháp lý; về năng lực của nhà đầu tư, công nghệ áp dụng cho Dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc một số cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Tổ hợp lọc dầu Victory để Dự án triển khai các bước tiếp theo.

Cụ thể: Thủ tướng đồng ý đưa Dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư. Dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm đầu; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng Nhà máy.

Đồng thời, Dự án được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật Việt Nam, được tổ chức kinh doanh, phân phối sản phẩm của Dự án ra thị trường theo quy định hiện hành về kinh doanh sản phẩm xăng dầu và các sản phẩm lọc hóa dầu. Chính phủ không cam kết về thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, hóa dầu của Dự án.

Dự án được miễn tiền thuê đất trong thời hạn hoạt động của Dự án; việc cho thuê đất thực hiện theo qui định của pháp luật về đất đai.

Về thuế xuất khẩu sản phẩm của dự án và gia hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn, trên cơ sở kết quả thiết kế tổng thể (FEED).

Chính phủ bảo đảm ổn định pháp luật về đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư hiện hành; bảo đảm quyền tham gia vào Dự án của các Nhà đầu tư và các Nhà cho vay theo quy định của pháp luật Việt Nam; bảo đảm việc cân đối ngoại tệ cho dự án theo quy định tại Pháp lệnh quản lý ngoại hối và các quy định pháp luật Việt Nam khác liên quan. Chính phủ cũng ủng hộ quyền ưu tiên mở rộng công suất của Dự án.

Về đầu tư và hỗ trợ hạ tầng, Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định hướng dẫn nhà đầu tư triển khai dự án, lập đánh giá tác động môi trường (EIA) theo quy định, lập thiết kế tổng thể (FEED); chủ động xử lý các phát sinh của Dự án trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Thủ tướng giao Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát, hoàn thiện các nội dung cụ thể và phê duyệt Dự án đầu tư theo quy định.

Thủ tướng cũng đồng ý PVN triển khai Dự án theo phương án tự đầu tư song song với việc đàm phán chuyển nhượng với đối tác Gazprom Neft (GPN). UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án theo quy định.

Về ưu đãi đầu tư và cơ chế tài chính, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án tài chính, nguồn vốn và ưu đãi đầu tư cho Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất các nội dung và tiến độ chi tiết của công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng và phương án vốn để triển khai Dự án.

UBND tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của Dự án, phù hợp với quy định của Luật đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan, thực hiện các công việc giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng theo yêu cầu tiến độ Dự án.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo PVN triển khai Dự án, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền./.