Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định PPP) được Chính phủ ký ban hành ngày 14/2/2015, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2015.

Nghị định PPP được ban hành đã tạo ra khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, có hiệu lực cao hơn nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

Nghị định nêu rõ, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.

Cụ thể, đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Dự án khác do nhà đầu tư thực hiện để thu hồi vốn đã đầu tư vào công trình dự án BT phải đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định rõ, nguồn vốn nhà nước trong phần tham gia của Nhà nước sẽ không được vượt quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án.

Nguồn vốn này bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các nguồn vốn khác, và chỉ được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung chi phí xây dựng công trình dự án.

Ngoài ra, các nguồn vốn nhà nước sử dụng để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư hoặc xây dựng công trình phụ trợ cũng sẽ không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án, cũng như phần tham gia của Nhà nước.

Như vậy, sự tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP sẽ cao hơn so với các quy định trước đây ở Quyết định 71/2010/QĐ - TTg.

Song, Nghị định cũng nêu rõ các điều kiện ràng buộc. Cụ thể, Điều 15 Nghị định quy định: vốn nhà nước chỉ được giải ngân sau khi 50% tổng vốn đầu tư của dự án đã được giải ngân theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng dự án và phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn nhà nước được phê duyệt, đồng thời được hạch toán độc lập với phần vốn góp, vốn huy động của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.

Nghị định cũng nêu rõ 5 điều kiện để các dự án được lựa chọn thực hiện theo hình thức PPP là:

1- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2- Phù hợp với lĩnh vực đầu tư theo quy định.

3- Có khả năng thu hút và tiếp nhận nguồn vốn thương mại, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư.

4- Có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên tục, ổn định, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

5- Có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên, trừ dự án đầu tư theo hợp đồng O&M và dự án công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, một điều kiện khác cũng được nhấn mạnh đó là, các dự án đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên có khả năng thu hồi vốn từ hoạt động kinh doanh được ưu tiên lựa chọn./.