Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tình hình thu hút vốn FDI trong 2 tháng đầu năm giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, tính đến ngày 20/2/2015, cả nước có 148 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 712,29 triệu USD, bằng 85,7% so với cùng kỳ năm 2014. Nguồn vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động cũng giảm, cụ thể có 58 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 480,5 triệu USD, bằng 67,8 % so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,192 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm này có thể giải thích là do tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày.

Mặc dù thu hút vốn FDI mới trong hai tháng qua bị sụt giảm, nhưng vốn giải ngân của doanh nghiệp khu vực này vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể tính đến ngày 20/2, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,2 tỉ USD, tăng 7,1 % so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn cả vốn cam kết mới.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhất với 65 dự án đăng ký mới và 40 lượt dự án tăng vốn, tổng giá trị 952 triệu USD, chiếm 80% lượng vốn FDI thu hút trong 2 tháng. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với hơn 111 triệu USD, chiếm 9%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 71 triệu USD.

Dự án Cty TNHH Worldon (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư đến từ British Virgin Islands với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp là dự án lớn nhất tính đến thời điểm này của năm 2015. Nhờ đó, British Virgin Islands dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 351,39 triệu USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 222,11 triệu USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 169,83 triệu USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư.

TP. Hồ Chí Minh tạm dẫn đầu là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 40 dự án cấp mới và 17 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 497,9 triệu USD, chiếm 41,7% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 213,86 triệu USD, chiếm 17,9%. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 134,04 triệu USD chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư.

Khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng với kinh tế Việt Nam, ngoài tạo việc làm, các doanh nghiệp có vốn ngoại xuất siêu hơn 2 tỷ USD trong hai tháng, góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại của cả nước.

Cụ thể, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt 15,988 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 69% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 15,38 tỷ USD tăng 16,5% so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt 13,95 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 61% kim ngạch nhập khẩu./.