Intel là một trong những tập đoàn lớn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam

Từ vị trí nhà đầu tư đứng thứ 7

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2015, Mỹ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,035 tỷ USD và xếp thứ 7/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung của một dự án đầu tư vào là 14,5 triệu USD/dự án.

Hiện nay, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 42/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm

phía Nam, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Xét về số lượng dự án, TP. Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Mỹ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với 771 triệu USD tổng vốn đầu tư; chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Quy mô trung bình dự án FDI Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD; nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ trên cả nước.

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có thể chia thành 4 giai đoạn sau:

Giai đoạn thứ nhất (1994 - 2001): Trước khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) được ký kết. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam giai đoạn này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp (công nghiệp nặng và dầu khí) và các ngành dịch vụ. Các công ty đã xây dựng nhà máy và bán sản phẩm trực tiếp tại Việt Nam, nhằm tận dụng chi phí nhân công rẻ, làm hạ giá thành, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, tuy nhiên chưa chú trọng đến hoạt động xuất khẩu.

Giai đoạn thứ hai (2001-2007): Khi Việt Nam và Mỹ phát triển các mối quan hệ thương mại song phương với việc nhiều dòng thuế giảm mạnh (từ 45% xuống còn 3%). Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực mà Việt Nam có hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ và hàng nội thất.

Giai đoạn thứ ba (2007 - 2012): Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, trong đó, dòng vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Các khoản đầu tư này đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng thương mại song phương đạt 22 tỷ USD (năm 2011).

Giai đoạn thứ tư (bắt đầu từ năm 2013 đến nay): Khi các công ty nhượng quyền thương mại của Mỹ đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam: KFC, Subway, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Pizza Hut, Pizza Domino...

Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, đóng góp tích cực đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước, bổ sung cho tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào nguồn thu ngân sách hàng năm; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác chế biến dầu khí, công nghệ thông tin, điện tử, năng lượng…; Góp phần quan trọng vào hội nhập quốc tế...

Và sẽ trở thành nhà đầu tư số 1

Trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hồi đầu năm nay, ông Theodore Osius cho biết, tham vọng của Mỹ là trở thành nhà đầu tư số một và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Điều này cũng được ông Herb Cochran, giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham VN) khẳng định, bởi ông cho rằng, với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài dẫn đầu thế giới trong nhiều năm qua, Mỹ thừa khả năng thực hiện mục tiêu đó, nếu Việt Nam có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ.

Thực tế cũng cho thấy điều đó đang diễn ra mạnh mẽ. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đang đầu tư vào Việt Nam cũng đang tiếp tục có kế hoạch mở rộng đầu tư như Intel, Jabil, Microchip...

Để chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu mở rộng quy mô đầu tư, trong năm qua, Intel Việt Nam đã cử 105 kỹ sư Việt Nam sang đào tạo tại nhà máy ở Malaysia, cũng như liên kết với các trường đào tạo kỹ thuật trong cả nước để đào tạo nhân lực, bổ sung cho đội ngũ hơn 1.000 nhân viên hiện nay.

Công ty Jabil Việt Nam (100% vốn Mỹ) chuyên sản xuất các thiết bị điện tử tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 200 triệu USD đầu tư ban đầu lên 1 tỉ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất hiện nay.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Microchip (Mỹ) cũng vừa mở rộng văn phòng hoạt động và gia tăng nhân sự lên gấp đôi. Giữa năm 2014, trong chuyến sang thăm Việt Nam, phó chủ tịch tập đoàn này cũng tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Trong bài bình luận gần đây đăng trên tạp chí của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, trụ sở tại Mỹ), nhà nghiên cứu Murray Hiebert cho rằng, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam dự kiến tăng đáng kể trong thời gian tới. Thương mại và đầu tư được nhận định vẫn là lĩnh vực hợp tác chính trong quan hệ Việt - Mỹ.

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư Mỹ thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thu hút đầu tư từ Mỹ. Song để tạo điều kiện cho việc này, hai chính phủ phải đẩy mạnh hợp tác chính trị và an ninh bằng cách đưa ra tuyên bố chung về tầm nhìn định hướng tương lai cho quan hệ đối tác và rộng hơn là cả khu vực.

Và mới đây, chuyến thăm Mỹ mới đây vào giữa tháng 3/2015 của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang chính là động thái khẳng định mối quan hệ hợp tác sâu hơn giữa hai nước, từ an ninh đến hợp tác đầu tư./.