Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy triển khai thực hiện một số dự án FDI trên địa bàn TP. Hà Nội diễn ra ngày 22/4.

Ông Phạm Văn Khương cũng cho biết, trong quý I/2015, toàn Thành phố đã thực hiện cấp mới và tăng vốn cho 80 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 160,2 triệu USD (tăng 2,6 lần so cùng kỳ 2014). Trong đó cấp mới 64 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 92 triệu USD (tăng 204% so cùng kỳ năm 2014). Lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản, với 70,2%.

Thống kê đến nay cho thấy, toàn Thành phố có 147 dự án FDI sử dụng đất, thực hiện đầu tư trong nhiều lĩnh vực, như: kinh doanh bất động sản, thương mại, siêu thị, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí, công nghiệp chế biến chế tạo, viễn thông, nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong 147 dự án đó, có 33 dự án còn chậm tiến độ do thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất chậm; dự án phải chờ điều chỉnh khớp nối hạ tầng hoặc chờ phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án; vướng về mặt bằng thi công xây dựng…

Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện dự án, ông Lee Kwo Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH THT, chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Trung tâm Tây Hồ Tây cho biết, công ty của ông được cấp giấy phép đầu tư từ năm 2006 và đã triển khai giải phóng mặt bằng từ 4 năm trước. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm, làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, ông Lee đề nghị các sở, ban ngành cần có những chỉ đạo quyết liệt về giải phóng mặt bằng và bàn giao đất đúng tiến độ để nhà đầu tư có thể triển khai những bước tiếp theo của Dự án.

Cũng có những khó khăn tương tự, ông Cheong Ho Kuan, Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam cho biết, hiện Gamuda đang triển khai 2 dự án: khu đô thị C2 (được triển khai vào năm 2012) và Công viên Yên Sở (năm 2009). Hiện cả hai dự án này đều gặp những vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Trên thực tế, phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng này so với tổng thể 83 ha của khu C2 và 60 ha của Công viên Yên Sở là rất nhỏ... Tuy nhiên, bởi vì chỗ chưa giải phóng mặt bằng nằm ở các vị trí trọng yếu của dự án, như: lối vào và đường vào nên Công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ông Cheong đề nghị, UBND Thành phố (đặc biệt là UBND quận Hoàng Mai) nhanh chóng giải phóng mặt bằng khu trước Công viên Yên Sở và khu dự án C2 để Công ty này đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Một đại diện khác là ông Cheong Kun Hung, Phó Tổng giám đốc Công ty Phát triển Đô thị, chủ đầu tư của Dự án Sông Hồng City cũng chia sẻ: “Gần đây, chúng tôi có nghe tin về việc Dự án của chúng tôi không được xây dựng cao tầng mà chỉ được xây dựng thấp tầng. Tất cả điều này đã đi ngược lại với những phê duyệt, những ủng hộ và những cam kết trước kia của Thành phố đối với chúng tôi. Nếu như không được xây dựng cao tầng thì Công ty sẽ không đạt được kết quả gì cả. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Thành phố giữ nguyên những cam kết ban đầu”.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã tiếp thu những ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và cho rằng, việc đối thoại với doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn phải được tổ chức một cách thường xuyên, kiên trì.

Phó Chủ tịch Thành phố chỉ đạo: “Các sở, ngành có liên quan phải trả lời doanh nghiệp phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trước ngày 30/5. Còn những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thành phố để có cách thức giải quyết”./.