Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - Đại tướng Trần Đại Quang đã nhấn mạnh vấn đề này trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 diễn ra ngày 17/5 tại TP. Đà Lạt.

Trong các năm qua, việc thu hút vốn đầu tư xã hội toàn vùng Tây Nguyên đã ngày càng tăng đáng kể. Cụ thể, từ 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư ở Tây Nguyên đã đạt 147.000 tỷ đồng. Nhờ đó, GDP bình quân đầu người tăng từ 18 triệu đồng năm 2011 lên hơn 23 triệu đồng vào năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 19% xuống còn xấp xỉ 11%.

Tây Nguyên được xem là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện; sản xuất các loại cây công nghiệp như: cà phê, cao su, chè, hồ tiêu; sản xuất rau, hoa và du lịch.

Mặc dù có tiềm năng và lợi thế, nhưng khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thu hút đầu tư. Tây Nguyên mới chỉ đóng góp 4,5% GDP của cả nước và so với các vùng miền khác vẫn là vùng kém phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, hạn chế cơ bản nổi lên là cơ cấu nguồn vốn đầu tư thu hút tại đây chưa hợp lý, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, trong khi thu hút từ FDI, ODA và đầu tư doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước. Một số công trình giao thông quan trọng, huyết mạch tiến độ chậm, kéo dài; việc thu hút vào chế biến các sản phẩm thế mạnh Tây Nguyên còn ít, chưa tạo ra chuỗi giá trị và bền vững; kết quả đầu tư nước ngoài tại Tây Nguyên nhìn chung còn thấp...

Điều này được thấy rõ qua số liệu mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết tại Hội nghị, tổng vốn ODA đã được ký kết trong 4 năm 2011-2014 của các tỉnh Tây Nguyên chỉ là 409,9 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giao thông vận tải, lâm nghiệp... Tính lũy kế đến 31/12/2014, Tây Nguyên mới có tổng số 148 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 819 triệu USD. Bình quân một dự án là 5,5 triệu USD (thấp hơn so với bình quân một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 14,2 triệu USD).

Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng, công tác thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế, chuyển giao công nghệ còn chậm, việc thu hút đầu tư vào chế biến các sản phẩm đặc trưng của vùng như: cà phê, cao su, hồ tiêu và các nông – lâm sản khác đạt rất ít, chưa tạo ra được chuỗi giá trị cao và bền vững… nên chưa đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên.


Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị

Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần này là cơ hội để các địa phương quảng bá, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế cùng các chính sách thu hút đầu tư của địa phương mình. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, thân thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế để an tâm đầu tư kinh doanh và cùng phát triển.

Đồng chí Trần Đại Quang mong rằng, thông qua Hội nghị lần này, khu vực Tây Nguyên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp… nhằm huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực để Tây Nguyên đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững và thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên cam kết sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm đến những doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại địa phương, đồng hành cùng nhà đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Trong định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên giai đoạn tiếp theo là đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa Tây Nguyên với các địa phương của nước Lào và Campuchia trong khuôn khổ hợp tác xây dựng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông./.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến Lễ trao Quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 doanh nghiệp thực hiện 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỷ đồng, trong đó tỉnh Kon Tum có tổng mức đầu tư lớn nhất lên đến 7.700 tỷ đồng và Gia Lai có số lượng dự án đầu tư nhiều nhất (4 dự án).

Ngay tại Hội nghị, Lễ ký kết hợp đồng đầu tư và thỏa thuận hợp tác đã diễn ra giữa 8 ngân hàng thương mại gồm: LienvietPostBank, VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB, MB, Sacombank với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án; đồng thời các ngân hàng cũng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Tây Nguyên như: thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi….

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký kết với Lienvietpostbank và Him Lam thỏa thuận phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên thành cây chiến lược mới ở Lâm Đồng. Theo đó, các bên sẽ quy hoạch chi tiết việc phát triển mắc ca ở địa phương, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nguồn giống – quy trình trồng – chăm sóc; chế biến và phát triển thị trường.