Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Dương Chí Dũng bày tỏ sự vui mừng khi kỳ họp được nối lại sau 3 năm ngừng hoạt động.

Từ năm 2012, quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các kết quả đạt được còn ở mức khiêm tốn. Vì vậy, mục đích của kỳ họp này là để rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước, đồng thời tìm ra cơ hội hợp tác mới trên tất cả mọi lĩnh vực.

Về hợp tác phát triển, Hàn Quốc cung cấp cho Việt Nam cả viện trợ không hoàn lại lẫn vốn vay ưu đãi. Từ năm 1993 tới nay, Hàn Quốc đã cấp cho Việt Nam 160 triệu USD viện trợ không hoàn lại, chủ yếu qua phương thức dự án truyền thống.

Trong giai đoạn 2008-2011, Hàn Quốc đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, y tế, cấp thoát nước và hai bên đã hoàn tất ký kết các hiệp định vay vốn.

Giai đoạn 2012-2015, Hàn Quốc cam kết cấp tín dụng ưu đãi 1,2 tỷ USD. Đến nay hai bên đã ký kết được 660 triệu USD cho một số dự án giao thông, y tế, giáo dục.

Trong thời gian tới, hai bên đang trao đổi về việc phía Hàn Quốc sẽ cung cấp vốn vay kém ưu đãi cho Việt Nam giai đoạn 2014-2016 kết hợp với nguồn tín dụng xuất khẩu để sử dụng cho các dự án hạ tầng quy mô lớn, năng lượng, đường sắt nội đô, cảng hàng không, cảng biển…

Hợp tác thương mại giữa hai nước cũng có những bước phát triển vượt bậc. Nếu năm 1992, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Hàn Quốc mới chỉ đạt 500 triệu USD, thì đến năm 2013 con số này đã là 27,3 tỷ USD.

Như vậy, với mức tăng trưởng bình quân kim ngạch thương mại song phương khoảng 23% mỗi năm, Hàn Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2012, Việt Nam - Hàn Quốc đã khởi động đàm phán FTA và cho đến nay đã tổ chức 6 phiên đàm phán chính thức cùng 5 phiên giữa kỳ. Phiên thứ 7 sẽ tổ chức vào tháng 10 tới đây tại Hàn Quốc. Hiện tại, 2 bên đang cố gắng nỗ lực để giải quyết những vấn đề vướng mắc để hoàn tất đàm phán trong năm 2014.

Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư (trên 6 tỷ USD năm 2014 với sản phẩm chủ yếu là dệt may, thủy sản, dầu thô, gỗ…) và là thị trưởng nhập khẩu lớn thứ hai (trên 20 tỷ USD năm 2013 với sản phẩm chủ yếu là hàng điện tử, điện thoại, vải, chất dẻo, sắt thép, máy móc, thiết bị…) của Việt Nam.

Tương ứng, Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Hàn Quốc. Có được thành công này là nhờ không nhỏ vào làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam khiến xuất khẩu tăng mạnh.

Đồng thời, bà Seo Min-Jeong, Cục trưởng Cục Kinh tế khu vực Đông Á nhận định, FTA Hàn Quốc – ASEAN được ký kết năm 2007 đã tạo điều kiện pháp lý cho các doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại 2 nước. Theo đánh giá sơ bộ, Hiệp định này mang lại lợi ích đáng kể cho ASEAN-Hàn Quốc cũng như phía Hàn Quốc-Việt Nam. Thông qua Hiệp định, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trung bình 20%.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye sang Việt Nam tháng 9/2013, hai nước đã thống nhất nâng giá trị thương mại lên 70 tỷ USD năm 2020. Mục tiêu các nhà lãnh đạo đặt ra là rất cao so với kim ngạch xuất khẩu hơn 27 tỷ USD hiện tại.

Bà Seo Min-Jeong cho rằng: “Mục tiêu 70 tỷ USD cho năm 2020 là một con số lớn. Nhưng với mối quan hệ hiện có, tôi tin tưởng hai bên sẽ đạt được điều này”. Bên cạnh đó, bà Seo Min-Jeong khẳng định, Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết mình để làm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Tính tới nay, Hàn Quốc có hơn 3.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 33 tỷ USD, đứng thứ nhất về số dự án và thứ hai về tổng vốn đăng ký”. Nếu tính cả vốn đầu tư của Hàn Quốc thông qua nước thứ 3, thì đầu tư của Hàn Quốc tương đương của Nhật Bản, khoảng trên 35 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam chủ yếu là: (i) Sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và nhân lực qua đào tạo ở lĩnh vực điện, điện tử…; (ii) Tính thiếu đồng bộ, lạc hậu của kết cấu hạ tầng ở Việt Nam; (iii) Thực thi một số thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, không nhất quán, đặc biệt là về đất đai và giải phóng mặt bằng…

"Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ điều này và cũng đang giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải nhằm đẩy mạnh đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới", ông Quang nhấn mạnh./.