Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2014, có 1.152 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 7,63 tỷ USD (bằng 82,2% so với cùng kỳ) và 418 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỷ USD (bằng 62,1% so với cùng kỳ).

Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỷ USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ 2013. Thu hút FDI năm nay đang cho thấy khoảng cách khá xa so với năm ngoái theo chiều hướng sụt giảm.

Tuy nhiên, con số thường được các chuyên gia quan tâm nhiều hơn là vốn giải ngân thì lại ở chiều hướng ngược lại. Ước tính cho 9 tháng đầu năm, số vốn mà các dự án FDI giải ngân đã đạt 8,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù tăng không nhiều nhưng đây là điều rất tích cực, cho thấy sự ổn định trong hoạt động của nhà đầu tư.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế trong 18 ngành nghề thu hút được vốn FDI trong 9 tháng đầu năm. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký mới 571 dự án trong lĩnh vực này, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,7 tỷ USD, chiếm 68,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng ở vị trí tiếp sau là kinh doanh bất động sản với 27 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,2 tỷ USD, chiếm 11%. Các lĩnh vực còn lại chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, có quy mô vốn nhỏ, như: lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có tới 148 dự án mới nhưng tổng vốn đăng ký chỉ đạt 173 triệu USD...

Về đối tác, trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,55 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,52 tỷ USD, chiếm 13,6 % tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản đứng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,43 tỷ USD, chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư...

Với dự án lớn từ Samsung, Bắc Ninh trở thành địa phương thu hút được nhiều FDI nhất tính đến thời điểm này với 1,36 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,28 tỷ USD, chiếm 11,5%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 1,17 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 10,5%. Tiếp theo là Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 1,11 tỷ USD; 924 triệu USD và 698 triệu USD.

Khu vực FDI đóng góp tới 2/3 kim ngạch xuất khẩu cả nước khi đạt 72,99 tỷ USD (kể cả dầu thô) trong 9 tháng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 60,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,3% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 9 tháng, khu vực FDI xuất siêu được 12,7 tỷ USD./.