Vào cuối tháng 6 tới đây, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên sẽ chính thức hoàn thiện, tạo cú hích lớn cho quá trình phát triển kinh tế của cả vùng vùng Tây Nguyên.

Khởi sắc cuộc sống người dân hai bên quốc lộ

Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) qua Tây Nguyên và Bình Phước được nâng cấp, mở rộng từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) với tổng chiều dài 553 km, gồm 6 dự án trái phiếu Chính phủ và 5 dự án BOT. Trong các dự án BOT, gói thầu của Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư (đoạn qua tỉnh Đắk Nông) đang đem lại lợi ích thấy rõ cho các địa phương và của chính bản thân mỗi người dân.

Từ ngày đường thông, lề thoáng, diện mạo phố xá, nhất là các khu vực trung tâm, như: thị trấn Đắk Rlấp, Đức An, Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) có tuyến đường đi qua đã thay đổi hẳn. Việc kinh doanh, buôn bán của những hộ sát hai bên đường cũng thuận lợi hơn nhiều. Không chỉ các cửa hàng ăn uống mà các quán cà phê, cửa hàng tạp hóa cũng đông khách vào ra, kinh doanh ổn định, mặt bằng sạch sẽ, rộng rãi.

“Theo tôi việc nâng cấp tuyến quốc lộ 14 sẽ tạo bước đột phá trong thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế như: Kinh tế cửa khẩu, sản xuất lâm, nông nghiệp, dịch vụ…tuy nhiên, thực tế những năm qua do giao thông khó khăn, nên các lĩnh vực phát triển rất hạn chế. Chính vì vậy, khi Quốc lộ 14 đưa vào sử dụng sẽ giúp việc thông thương hàng hoá, nông sản giữa các địa phương được thuận lợi hơn, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao”, ông Lê Văn Ngọc, một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một lái xe thường xuyên chạy tuyến Gia Lai - TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Ði tuyến đường mới chỉ mất 7 đến 8 tiếng, tiết kiệm 30 đến 40% nhiên liệu so với đi trên quốc lộ cũ. Còn 2 doanh nghiệp vận tải hành khách Thu Đức và Anh Khoa (đóng tại TP Buôn Ma Thuột) cho biết, chỉ xét chi phí thực tế, đi trên đường mới giảm từ 10 đến 20% so với quốc lộ cũ, nếu xét về mặt tiết kiệm thời gian, các hãng có thể tăng tần suất chạy xe, hiệu quả vận tải còn cao hơn nhiều.

Còn ông Trần Tấn Phước, Giám đốc hãng vận tải An Phước, là chủ doanh nghiệp có gần 100 đầu xe container khẳng định, việc đặt một số trạm thu phí “khá dày” trên tuyến quốc lộ cũng là “kỷ lục” về số phí phải trả trên một tuyến đường, nhưng lợi ích mang lại cho công ty “đáng đồng tiền bát gạo”. Với việc rút ngắn thời gian Gia Lai đi TP Hồ Chí Minh từ 12 tiếng xuống còn 8 đến 9 tiếng, chúng tôi sẽ quay vòng đầu xe lên gấp 1,5 lần.

Còn rất nhiều cơ hội lớn phía trước

Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, tuyến đường hoàn thành là niềm mong mỏi từ bấy lâu nay đối với nhân dân tỉnh Đắk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi giúp các địa phương thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế và giao thương quốc tế mà còn tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa, khoáng sản các tỉnh trong khu vực tiếp cận thị trường.

“Bao năm nay, Đắk Nông vẫn được xem là tỉnh biên giới vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở nhưng giờ đây, có thể đi về giữa TP. Hồ Chí Minh - Đắk Nông ngay trong ngày, rất thuận tiện. Khi giao thông thuận lợi, chắc chắn kinh tế sẽ khởi sắc”, ông Diễn phấn khởi cho biết thêm.

Còn ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng: Ngay từ khi tuyến đường hoàn thành, khách đến du lịch tại Đắk Lắk đã tăng mạnh và nhiều nhà đầu tư đã “nhắm” đến vùng đất đầy tiềm năng này.

“Đường thông, hè thoáng thì việc thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ắt sẽ chuyển biến rõ rệt. Hy vọng tuyến đường sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh nhà cũng như các địa phương trên vùng đất Tây Nguyên này”, ông Nghị nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Để tạo được bước tiến đột phá cho kinh tế vùng miền, sự đầu tư đúng mức vào đường giao thông là không thể thiếu. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, hình thức BOT đã giải quyết nhiều vấn đề trước mắt và tạo đà cho quá trình phát triển lâu dài. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Trong nhiều năm qua, ngành Giao thông đã cố gắng giải bài toán quá hóc búa giữa yêu cầu cấp bách của đất nước phải có một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại từ nay đến năm 2020, với nguồn vốn Nhà nước dành cho giao thông hết sức hạn hẹp. Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Hình thức BOT thực sự là một lối thoát lâu dài, bởi nó tận dụng được sức mạnh của dân của toàn bộ xã hội.

Đại diện một trong những chủ đầu tư thi công tuyến Quốc lộ 14, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Mỹ 14 (thi công đoạn qua tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh:

"Quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và đồng bào nơi dự án đi qua. Đặc biệt là có sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao và quyết liệt từ Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu dự án phải đảm bảo về thời gian, về chất lượng, về an toàn giao thông cho đồng bào. Nhờ đó, dự án thi công nhanh, về trước tiến độ đồng nghĩa mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân nơi đây.

Vì vậy, trách nhiệm của chủ đầu tư với địa phương và người dân là không thể tách rời. Với tư cách là nhà đầu tư dự án, khi đặt chân lên Tây Nguyên, chúng tôi có hai nguyện vọng lớn đó là đầu tư xây dựng Quốc lộ 14 bảo đảm về chất lượng, đảm bảo về thời gian đúng theo cam kết với Bộ trưởng góp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất giàu tiềm năng này và chia sẻ những khó khăn với đồng bào nghèo.

Thực tế, trong quá khứ, chúng tôi đã từng gắn bó với đồng bào bằng việc tài trợ xây cầu treo bắc qua sông Pô Kô (tỉnh Kon Tum) vào năm 2010 để giúp bà con và các em nhỏ đi lại an toàn; trao tặng 10 tấn gạo cho hộ nghèo 2 huyện Cư Jút và Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) cuối năm 2013” và chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho bà con nơi đây bằng những việc làm cụ thể có ý nghĩa”./.