Thực trạng thu hút ODA

Ngày 08/11/1993, Hội nghị các nhà tài trợ đầu tiên cho Việt Nam được tổ chức tại Paris (Pháp) đặt nền tảng cho quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.

Có thể nói, 20 hội nghị CG đã qua, với mục tiêu chủ yếu là kêu gọi các nhà tài trợ có những cam kết hỗ trợ nguồn lực ODA cho Việt Nam (từ năm 1993-2014). Sau hơn 20 năm, với sự tích cực của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu, đã trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Theo báo cáo tại Hội thảo quốc tế "Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam", do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì với sự phối hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tổ chức, hiệu quả sử dụng vốn ODA được các nhà tài trợ đánh giá là khá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.

Lũy kế từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết. Đến năm 2013, Việt Nam có khoảng 51 nhà tài trợ có các chương trình ODA thường xuyên, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương.

Nguồn ODA góp phần tích cực trong việc phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn Việt Nam, phát triển nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo; giúp các doanh nghiệp nhỏ trong nước có thêm vốn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư cho sản xuất, kinh doanh...

Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp thì nguồn vốn vay ODA không hoàn lại và nguồn vốn vay có ưu đãi thấp sẽ giảm, thay vào đó là những nguồn vốn vay kém ưu đãi. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường năng lực và cải tiến mạnh mẽ tình hình thực hiện dự án, sử dụng tập trung hơn để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế và xã hội quy mô lớn, có giá trị và tạo ra tác động lan tỏa đối với sự phát triển chung của cả nước. Các địa phương cần xác định các ưu tiên đầu tư khi sử dụng ODA và nâng cao công tác giám sát, theo dõi và đánh giá dự án.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, công tác quản lý còn nhiều hạn chế; tiến độ giải ngân nguồn vốn còn chậm; các quy trình thủ tục phức tạp...

Sự thất bại của một số dự án ODA một phần xuất phát từ nhận thức ODA là “tiền chùa” hoặc từ nếp nghĩ tiền ấy do Chính phủ trả, nên các địa phương có thời điểm đua nhau làm ODA. Vì vậy dẫn đến công tác chuẩn bị dự án sơ sài, cốt sao được đưa vào danh mục. Việc thẩm định, phê duyệt những dự án đó có khi dựa theo, có khi chiều theo tư vấn nước ngoài, thiết kế không đầy đủ, đấu thầu, nhất là đấu thầu máy móc thiết bị kéo dài, tiến độ bị ảnh hưởng…

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA

Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nước được đánh giá là sử dụng ODA rất hiệu quả, và sau đó đã dừng nhận ODA vào năm 1990, và ngày nay trở thành nhà tài trợ song phương ODA lớn thứ hai của Việt Nam, thì song song với việc tận dụng ODA để phát triển hạ tầng xã hội, Chính phủ cần kiến tạo môi trường để huy động các nguồn lực tài chính khác phục vụ cho phát triển, nhằm tạo sự tự chủ tài chính, giảm lệ thuộc vào ODA. Có thể đạt được điều này bằng các cải cách thuế quan, môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tích cực đầu tư, hợp tác cùng Chính phủ để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Để nâng cao hiệu quả tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, một số giải pháp được Chính phủ đưa ra là các bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, vốn đối ứng.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước về nguồn vốn ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ cũng cần tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm kiểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA .

Liên quan đến vấn đề này, TSKH. Võ Đại Lược cho rằng “chúng ta cần có một cơ chế kiểm tra, giám sát, minh bạch, công khai các dự án ODA. Ngay khi ký kết nhận ODA của một nước tài trợ, chúng ta cần cân nhắc lựa chọn. Chúng ta có thể từ chối ODA nếu không có lợi. Bởi khi tài trợ ODA, họ nắm quyền thiết kế, nắm quyền thi công và cả cung cấp những thiết bị. Như vậy thì ai sẽ kiểm soát. Tôi cho rằng, chúng ta phải có một cơ chế giám sát. Đặc biệt, chúng ta bây giờ ODA còn ít cho nên cần phải có quy hoạch, phải tự cân bằng (Khánh Hồng, 2015).

Tham khảo từ nguồn:

1. Khánh Hồng (2015). Nên từ chối vay vốn ODA nếu không có lợi, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nen-tu-choi-vay-von-oda-neu-khong-co-loi-20150808080929822.htm

2. LN (2015). Thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA đạt kết quả tích cực, truy cập từ http://www.mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/ttsk/3312584?pers_id=2177092&item_id=159682185&p_details=1