Hiện việc triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ

Tiến độ “rùa bò”

Theo quy hoạch tổng thể giao thông, TP Hà Nội đã đề ra kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Cụ thể, có 8 tuyến đường sắt đô thị dự kiến được xây dựng tại Hà Nội gồm Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Yên Viên, Như Quỳnh; Tuyến số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt; và Tuyến số 2A: Cát Linh - Ngã tư Sở - Hà Đông; Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 4: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – VĐ2,5 - Cổ Nhuế - Liên Hà; Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4; Tuyến số 6: Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi; Tuyến số 7: Mê Linh - Đô thị mới Nhổn, Vân Canh, Dương Nội với chiều dài 27.63km, tuyến đi cao với tổng số 23 ga và 1 đề pô; Tuyến số 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá.

Song, điều đáng nói là, dù vốn đã được tính toán đủ, được tạo nhiều cơ chế đặc thù ưu tiên, nhưng việc triển khai thi công các tuyến này đều chậm tiến độ.

Nhớ lại, năm 2010, khi phát lệnh khởi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên với tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, Lãnh đạo TP. Hà Nội phải chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện đúng yêu cầu về kiểm tra, giám sát để dự án được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, không xảy ra sự cố để đến năm 2015 đưa tuyến đường sắt đầu tiên của Thủ đô đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, kế hoạch đưa tuyến đường sắt đầu tiên đi vào hoạt động năm 2015 đã chính thức “lỡ hẹn” và được dự định lùi đến tháng 11/2018.

Không chỉ tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, đây là dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Theo dự kiến, tuyến đường này sẽ được chạy thử vào quý I/2015, nhưng giờ đã chuẩn bị hết quý III/2015, tiến độ triển khai của nhà thầu - Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vẫn rất chậm chạp.

Dự kiến tuyến đường được khai thác vào tháng 12/2015, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xây dựng với chiều dài 13 km, gồm 12 nhà ga, có năng lực vận chuyển tối đa 28.000 khách/giờ/hướng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tất cả dự án đường sắt đô thị, đến năm 2014,đều tăng tổng mức đầu tư từ 60% đến gần 200%. Cá biệt dự án đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), dù chưa đấu thầu, thi công song đã dự kiến tăng tổng vốn từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng. Nguyên nhân do biến động giá nguyên vật liệu, trượt giá đối với các gói thầu, thay đổi thiết kế kết cấu hầm, nhà ga, cầu vượt...

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng đã được điều chỉnh vốn đầu tư từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, nguyên nhân được cho là chậm tiến độ giải tỏa dân và di dời công trình; chi phí phát sinh do nhiều hạng mục bổ sung so với thiết kế cơ sở, biến động về giá nguyên liệu...

Quá nhiều vướng mắc

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm tiến độ là do thi công đang gặp hàng loạt khó khăn, “đụng đâu vướng đó” - không chỉ về hành lang pháp lý mà còn vướng cả về vốn, nhân lực…

Cụ thể như việc thiếu những hành lang pháp lý liên quan đến việc xây dựng; thành phố chưa có quy hoạch về không gian ngầm dẫn đến khó khăn trong quá trình tiến hành kết nối với hệ thống giao thông trên mặt đất trong giai đoạn hoàn thiện.

Việc thiếu nhân lực có chuyên môn giỏi, đặc biệt là chuyên môn trong vận hành và khai thác đường sắt đô thị trên cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công dự án.

Vốn cho dự án cũng đang sử dụng nhiều nguồn vốn vay ODA khác nhau, như: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản…, nên phải tuân thủ theo nguyên tắc của nhiều nhà tài trợ khác nhau, rắc rối và phức tạp hơn, nếu chỉ sử dụng vốn của một nhà tài trợ.

Đã vậy, trong các luật và văn bản của hành lang pháp lý liên quan đến đường sắt đô thị, đặc biệt là không gian ngầm vẫn chưa được đề cập tới. Hơn nữa, khi xây dựng ngầm sẽ khó lồng tuyến với đô thị và kết nối với tuyến trên mặt đất.

Trong công tác quản lý dự án hệ thống đường sắt đô thị, Việt Nam vẫn chưa có hệ quy chuẩn, nguồn nhân lực chuyên môn về xây dựng, vận hành hệ thống. Tuyến đường sắt nội đô vay vốn từ nhiều chính phủ, nên chỉ đạo trong việc khớp nối đồng bộ hệ thống sẽ rất nhạy cảm.

Đã vậy, các vấn đề khác cũng vẫn chưa ban hành, như: xây dựng công nghệ thống nhất, chính sách giá vé trong tương lai, cơ quan quản lý bảo hành các tuyến đường sắt đô thị.

Đẩy tiến độ bằng cách nào?

Trước tiến độ “rùa bò” của các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải yêu cầu các bộ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:

UBND thành phố Hà Nội rà soát lại quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống nhà ga đường sắt đô thị bảo đảm sự gắn kết tạo thuận tiện tối đa cho hành khách để kịp thời điều chỉnh nếu cần thiết.

Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác bảo đảm an toàn đường sắt đô thị cần đặc biệt quan tâm. UBND thành phố Hà Nội với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải tích cực triển khai đào tạo đội ngũ vận hành, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong vận hành, khai thác đường sắt đô thị.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác kiểm định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông đường sắt đô thị. UBND thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ các hình thức thông tin, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện tốt các quy định về an toàn đường sắt đô thị.

Do các dự án đường sắt đô thị được tập trung tại các tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu có các giải pháp thích hợp, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình.

Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên, Phó Thủ tướng yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương có văn bản thống nhất về vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng gửi Bộ Giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở và các bước tiếp theo theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc phân kỳ lại việc đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư; trước mắt đầu tư giai đoạn 1, xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát - ga Hà Nội./.