Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Theo đó, ACV sẽ chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án trình Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Hội đồng thẩm định nhà nước theo quy định của pháp luật.

Có thể nói để được thông qua tại Quốc hội, dự án sân bay Long Thành đã trải qua rất nhiều năm cân nhắc và quyết định.

Mặc dù có ý tưởng từ những năm 1980, nhưng phải đến ngày 24/10/1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 911/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có việc xây mới sân bay Long Thành.

Ngày 20/07/2005, tại Quyết định số 703/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô, phân khu chức năng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngày 14/6/2011, tại Quyết định số 909/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới phê duyệt quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Theo Quyết định 909, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương.

Mất thêm 4 năm nữa (năm 2015), báo cáo tiền khả thi của dự án sân bay Long Thành mới được trình ra Quốc hội để xem xét. Như vậy, mất 18 năm cho các công việc thuần túy thủ tục.

Đến sáng 25/6/2015, sau nhiều ngày bàn bạc, dự án sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức được Quốc hội thông qua vào với tỷ lệ 86,64%.

Trước đó, ACV đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải một số giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai dự án sân bay Long Thành, đảm bảo tiến độ khởi công vào năm 2019.

Về các chủ thể đầu tư, ACV kiến nghị Bộ chủ quản giao cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đảm nhận hạng mục đài kiểm soát không lưu. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm đối với việc giải phóng mặt bằng.

Tổng công ty Cảng cũng đã tạm chia các phần việc còn lại thành 5 nhóm với các hình thức huy động vốn khác nhau. Trong đó nhà khách VIP, trung tâm y tế, khí tượng, cứu hỏa, khẩn nguy sẽ do ACV làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn tự có.

Các hạng mục không có khả năng sinh lời như hầm kỹ thuật, đường trục, san lấp mặt bằng, đài chỉ huy và tòa nhà khai thác sẽ được đầu tư bằng vốn ODA và ngân sách. Nhóm công trình dùng vốn vay ưu đãi hoặc hợp tác công tư (PPP) bao gồm ga hành khách và nhà đậu xe.

Trong khi đó, ga hàng hóa, thành phố sân bay, khu kỹ thuật hàng không, tra nạp nhiên liệu, cung cấp suất ăn… sẽ do ACV cùng các doanh nghiệp bên ngoài tham gia đầu tư.

Thời gian

Hạng mục công việc

Tháng 8/2015

ACV hoàn thiện đề cương báo cáo khả thi (FS)

Tháng 10/2015

Đấu thầu chọn đơn vị tư vấn FS

Tháng 4/2016

Công bố kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn FS

Tháng 7/2017

Hoàn thiện FS, trình các cấp phê duyệt

Năm 2018

Hoàn thành tổng dự toán, tiến hành thu xếp vốn

Năm 2019

Lựa chọn đơn vị thi công, khởi công giai đoạn I

Năm 2023

Hoàn thành giai đoạn I với một đường cất hạ cánh và nhà ga

Còn tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sáng 3/8, Bộ này cho biết, công tác tuyển chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được triển khai. Dự kiến, quá trình đấu thầu tuyển chọn tư vấn sẽ mất khoảng 8 tháng và quá trình nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi mất khoảng 18 tháng.

Bộ cũng đã dự kiến việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2017.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành Hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha./.