Mục đích của Đề án là xác định cấu trúc địa tầng, trữ lượng, chất lượng than, đặc điểm điều kiện địa chất kỹ thuật khoáng sản, làm cơ sở để xem xét nghiên cứu lập dự án thử nghiệm công nghệ, dự án khai thác thử nghiệm và tiến tới đầu tư khai thác với quy mô công nghiệp.

Đề án thực hiện qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1, dự án thi công tại hiện trường trong khoảng thời gian 24 tháng từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2017 do Công ty Địa chất mỏ - Vinacomin thi công; Giai đoạn 2 của dự án thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019 tổng hợp kết quả thăm dò, lập báo cáo địa chất và tiến hành trình, thông qua tại Hội đồng trữ lượng quốc gia.

Theo kế hoạch, tổng diện tích khu vực được cấp phép thăm dò là 5,29 km2; độ sâu thăm dò đến mức - 1.200 m. Nhà thầu thi công sẽ khoan 23 lỗ với tổng số mét khoan là 19.650 m; lấy 500 mẫu than, 300 mẫu đá, 240 mẫu khí để phân tích, xác định đặc điểm, tính chất của than, đá. Dự kiến, trữ lượng than đạt được sau thăm dò là khoảng 236 triệu tấn.

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng cho biết, dự báo dự án sẽ có tiềm năng tài nguyên than Abitum rất lớn khoảng 210 tỷ tấn. Trong điều kiện các mỏ than Đông Bắc ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, việc huy động bể than Đồng bằng sông Hồng vào thăm dò khai thác theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phục vụ nhu cầu than cho các ngành kinh tế trong nước là hết sức cần thiết và quan trọng.

Thứ trưởng cũng cho rằng, dự án cũng là tiền đề, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và đất nước nói chung (Đình Dũng, 2015).

Để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh dự án, tại Thông báo số 162/TTg-KTN, ngày 23/1/2013, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than Đồng bằng sông Hồng phải phù hợp với quan điểm, định hướng chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và quy hoạch phát triển mạng hạ tầng liên quan và khai thác đảm bảo không để xảy ra sụt lún đất mặt, đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển; gắn liền với đảm bảo an ninh lương thực theo nguyên tắc hạn chế tối đa ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa; bảo vệ hoặc khai thác an toàn và hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản khác đi kèm./.

Được phát hiện từ những năm 60 của Thế kỷ trước, theo dự báo Bể than Đồng bằng Sông Hồng có diện tích khoảng 2.500 km2 với tổng trữ lượng vào khoảng 210 tỷ tấn có chất lượng tốt, phân bố chủ yếu và tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình (chiếm gần 90% trữ lượng).

Tham khảo từ nguồn

1.Phi Long (2015). Bắt đầu thăm dò bể than đồng bằng Sông Hồng, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/bat-dau-tham-do-be-than-dong-bang-song-hong-433423.vov

2. Đình Dũng (2015). Khởi công thăm dò bể than Sông Hồng, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/khoi-cong-tham-do-be-than-song-hong.html