Đáng chú ý là Tập đoàn Microsoft đã công bố đóng cửa 2 nhà máy sản xuất điện thoại Nokia ở Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Tập đoàn này sẽ mở rộng nhà máy có quy mô đầu tư lên đến 210 triệu USD tại Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore đặt tại Bắc Ninh, đồng thời sẽ tăng gấp 3 tổng số nhân công so với 2 nhà máy cũ.

Báo cáo cũng đã công bố một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có một sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN để tận dụng cơ hội từ TPP sắp tới. Trong đó, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam với lý do là có một thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.

Bên cạnh đó, Savills cũng cho biết, Tập đoàn Mapletree Singapore đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển các khu công nghiệp, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, các nhà đầu tư Singapore khác, như: Famed Banyan Tree, Keppel Land và Capital Land cũng thông báo kế hoạch đầu tư vào những dự án bất động sản quy mô lớn tại Việt Nam.

Đồng thời, Savills dẫn nguồn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 07/2015, Việt Nam có 299 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84.000 ha, trong đó tổng diện tích đất cho thuê là 56.000 ha (66%). Diện tích đã được thuê là khoảng 26.000 ha, bằng 46% tổng diện tích đất cho thuê. Cụ thể, 212 khu công nghiệp đang hoạt động với đất tự nhiên 60.000 ha, và 87 khu công nghiệp với 24.000 ha đất đang được giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trong đó, Khu công nghiệp trọng điểm phía Nam (SKEZ) bao gồm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. SKEZ bao gồm 106 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 33.500 ha. Các khu công nghiệp này có lợi thế nằm gần đường quốc lộ, đường liên tỉnh, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.

Trong khi đó, Khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc (NKEZ) bao gồm 07 tỉnh/thành, gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh và Hải Dương. Có 46 khu công nghiệp trong NKEZ, với tổng diện tích hơn 12.100 ha. Hầu hết các khu công nghiệp nằm dọc theo Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 2, và Quốc lộ 18 (Bắc Ninh - Móng Cái).

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, TP. Hồ Chí Minh với vị trí trung tâm kinh tế của SKEZ nên nhận được số lượng dự án FDI lớn nhất. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2015, các doanh nghiệp Anh đầu tư nhiều nhất vào Thành phố, chiếm 59% vốn FDI, theo sau là các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin (15%) và Hàn Quốc đứng thứ 3 (10%). Trong khi đó, Hà Nội có tổng số 12 khu công nghiệp và khu công nghệ cao đang hoạt động với tổng diện tích đất 2.400 ha và khoảng 1.500 ha diện tích cho thuê. Tới tháng 04/2015, các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút 55,1 triệu USD vốn đầu tư, tăng 52% so với năm ngoái. Có tổng cộng 588 dự án vào các khu công nghiệp Hà Nội bao gồm 312 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD và 276 dự án đầu tư trong nước với hơn 530 triệu USD vốn đăng ký.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, hiện đang diễn ra một thực tế đó là việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp hiện nay đang đặt ra những thách thức cho nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương thu nhỏ quy mô, thậm chí đóng cửa một số khu công nghiệp có tỷ lệ thuê thấp để dành chỗ cho các kế hoạch phát triển khác. Khu Công nghiệp Ba Thiên ở tỉnh Vĩnh Phúc, Khu Công nghiệp Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Riêng đối với ngành công nghiệp dệt may, rất nhiều địa phương sẽ chỉ ưu tiên những nhà đầu tư có công nghệ cao và số lượng nhân công hạn chế vì lý do môi trường./.