Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu 2015

Điểm đến đầu tư hấp dẫn

Tại Diễn đàn, ông Tony Shale, Tổng giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Euromoney đánh giá, Việt Nam đang trở thành một thị trường mới nổi ngày càng hấp dẫn trong khu vực châu Á.

Đồng ý với nhận định này, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital cho biết, trong buổi hội thảo mới đây về ASEAN của các nhà đầu tư nước ngoài tại Quảng Nam, với thời lượng 6 tiếng, thì có tới hơn 5 giờ đồng hồ là nói về Việt Nam. "Điều đó cho thấy quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam nhiều như thế nào", ông Ryder nhận xét.

Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 thu hút sự tham dự của 700 đại biểu là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 32 quốc gia trên toàn thế giới hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghiệp.

Các nội dung chính được thảo luận bao gồm: Sức phục hồi của kinh tế Việt Nam và triển vọng năm 2016; Các hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập khu vực và thế giới; Cải cách ngành ngân hàng, nợ xấu; Phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng; Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tỷ lệ sở hữu đầu tư nước ngoài và đầu tư chiến lược; Các xu hướng đầu tư nước ngoài (FDI); và Thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng được những cơ hội phát triển. Trong nửa đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,28%.

Nhấn mạnh đến những chuyển biến tích cực của nền kinh tế, phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nghèo đói và kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Trong giai đoạn 1986-2010, Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao, bình quân GDP tăng khoảng 7%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vừa qua, nhưng trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân đạt khoảng 6%/năm, theo hướng tăng dần qua từng năm, trong đó năm 2015 dự kiến đạt trên 6,5%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương liên tục và khá cao trong giai đoạn này.

Theo báo cáo của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trên thế giới trong suốt 20 năm qua. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, an sinh xã hội dần cải thiện.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng nhanh hơn; lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ; số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn đến từ châu Âu, đang đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Sẵn sàng đổi mới để cạnh tranh

Theo Thủ tướng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng: “Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cần phải cải thiện với nhiều biện pháp cụ thể, để vượt qua thách thức và những hạn chế của chính mình, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.

Cụ thể, về môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện kết cấu hạ tầng, nhiều luật đã được sửa đổi và tiếp tục được ban hành để thúc đẩy môi trường kinh doanh. Cải thiện các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như thuế, hải quan, tiếp cận điện năng… để hướng tới mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN+4.

Đối với thị trường tài chính, Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Việt Nam đã ban hành và thực hiện quy định về mở rộng tỷ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng từ 49% lên 100% cùng nhiều nội dung mang tính “mở” và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia...

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Riêng từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã cổ phần hóa được 350 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình này.

Trong thời gian tới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là cơ hội tốt cho các đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Việt Nam cũng khuyến khích các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, M&A trong thời gian tới.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kế hoạch cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam và tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Bộ trưởng Vinh khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục sửa đổi thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế lâu dài"./.