Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Tổng kết và chuyển giao kết quả hoạt động Quỹ ủy thác Lâm nghiệp (TFF) giai đoạn 2004-2015”, do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức chiều ngày 30/9, tại Hà Nội.

Nhằm quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, TFF được thành lập từ ngày 23/6/2004 với Biên bản Ghi nhớ TL-TFF 2004-2007 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện Chính phủ Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển và hỗ trợ kỹ thuật của Cộng hòa Liên bang Đức. Thông qua hoạt động của quỹ này để bảo vệ môi trường rừng, cải thiện sinh kế của người dân sinh sống tại các khu vực phụ thuộc vào rừng, tăng cường đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân và giảm thiểu, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, TFF đã đóng góp nhiều vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam, không chỉ hỗ trợ cho hoạt động về bảo tồn và phát triển rừng mà còn góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quá trình đổi mới của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Trong quá trình hoạt động từ năm 2004-2015, TFF đã hỗ trợ trong: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004), xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam (2006), hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng (2012), hoàn thiện hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp (2015). Bên cạnh đó, Quỹ còn đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và ứng dụng những kỹ thuật mới, tăng độ che phủ rừng.

Tính đến ngày 31/06/2015, TFF đã tiếp nhận 28,9 triệu Euro/29,04 triệu Euro cam kết tài trợ. Qua đó, TFF đã ký 40 Thỏa thuận tài trợ cho 40 chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án (chủ yếu tập trung thử nghiệm, thí điểm, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược của ngành lâm nghiệp).

Bên cạnh đó, TFF đã đề cao vai trò làm chủ của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ hỗ trợ ODA với các ưu tiên trong chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam và hài hòa hóa cơ chế của các nhà tài trợ và cơ chế quốc gia về hỗ trợ ODA cho ngành lâm nghiệp.

Theo ông Phạm Hồng Lượn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời gian tới, TFF (đã được sáp nhập vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam vào năm 2014) sẽ tiếp tục hoạt động nhằm hỗ trợ quá trình thành lập và vận hành Quỹ REED+ Việt Nam (giảm phát thải khí nhà kính từ mất, suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng,…). Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp và cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) để tăng cường thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực hiện chương trình hành động quốc gia về REED+ và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam./.

Mục tiêu cụ thể của TFF là gắn kết hỗ trợ ODA chặt chẽ hơn với các ưu tiên đã xác định trong Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2006-2020, cải thiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo bằng cách hướng hỗ trợ ODA cho ngành lâm nghiệp, hài hòa hóa việc chuyển vốn ODA cho ngành lâm nghiệp, đóng vai trò là mô hình thử nghiệm để đúc rút kinh nghiệm và bài học có ích cho việc thành lập Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF).