Bà Yuri Sato - Phó chủ tịch Jetro tại Hà Nội đã khẳng định điều này tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày 14/10.

Toàn cảnh diễn đàn

Đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản

Ông Tsutomu Sakagami, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp nước này đang đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó 50% hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, điện tử, ôtô và phụ kiện.

Ngoài dòng vốn mới sắp đổ vào Việt Nam, ông Tsutomu Sakagami cũng tỏ ra lạc quan khi hầu hết các công ty Nhật Bản đang hoạt động lâu năm tại Việt Nam đều khẳng định có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Theo ông, ngoài lý do tình hình chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế vững chắc thì việc Việt Nam tích cực tham gia nhiều hiệp định kinh tế lớn, mới nhất là TPP, cùng chiến lược bán sản phẩm vào thị trường nội địa của các công ty Nhật Bản được xem là 2 yếu tố khiến họ quyết định mở rộng đầu tư.

Để làm rõ hơn nhận định này, phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn ASEAN 6 và ASEAN 4.

Các giải pháp đó đã và đang phát huy tác dụng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ năm 2012 đến nay, từ 5,1% lên đến 6,5%; sản xuất công nghiệp được phục hồi, xuất khẩu được duy trì và nền kinh tế ngày càng tỏ ra thích nghi tốt hơn với các cú sốc bên ngoài như giá dầu giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc đi xuống, phá giá đồng Nhân dân tệ…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại diễn đàn

Cũng trong thời gian qua, Việt Nam đã hoàn thành ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam – EU và sắp tới là TPP, AEC... Đặc biệt, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ là cơ hội kinh doanh đầu tư mới cho cả hai nước với thị trường 600 triệu dân và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD.

Cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư thông qua việc tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngoài ra, để tạo sự đồng bộ và phát triển bền vững, chuẩn bị tốt cho hội nhập, Việt Nam còn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách cạnh tranh nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp.

"Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Nhật Bản luôn là quốc gia đứng đầu về hợp tác kinh tế, đầu tư, giáo dục, giao lưu nhân dân... và nhiều lĩnh vực khác", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Nhờ đó, về hợp tác đầu tư, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản với hơn 37,7 tỷ USD vốn đăng ký, 2661 dự án và hơn 1500 doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế. Kim ngạch ngoại thương Việt Nam – Nhật Bản theo từng năm tăng dần. Năm 2014 là 27,6 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2015 là 19 tỷ USD.

Tiếp tục cải thiện để thu hút đầu tư hiệu quả

Bà Yuri Sato cho biết, để thu hút thêm dòng vốn đầu tư, Việt Nam đứng trước không ít thách thức. Riêng với công nghiệp phụ trợ - lĩnh vực đang được đa số doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn, thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ đạt 33%, vẫn thấp hơn so với Thái Lan là 55%, Indonesia với 43%.

"Thời gian tới, để chiến thắng được các nước trong cuộc cạnh tranh trở thành quốc gia cung cấp phụ tùng cho nước ngoài, thì Việt Nam cần tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Đây sẽ là lực lượng để các bạn có thể tập trung phát triển lĩnh vực hỗ trợ. Jetro sẽ kết nối các công ty có nhu cầu mua linh kiện với các đơn vị của Việt Nam muốn bán", bà nói.

Quan tâm nhiều hơn các vấn đề của Việt Nam khi tham gia TPP, ngài Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng đàm phán TPP vừa kết thúc đồng nghĩa với việc thị trường thương mại được mở rộng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh. Dù vậy, TPP không chỉ dừng lại ở giao thương hàng hóa mà đòi hỏi các nước tham gia đều phải hoàn thiện thể chế. Đặc biệt, riêng với Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ cần phải tăng tốc đổi mới thể chế mạnh mẽ hơn nữa.

"Việt Nam gia nhập nền kinh tế thị trường chậm hơn so với nhiều nước láng giếng như Thái Lan. Các bạn chậm hơn 20 năm. Để bù đắp được khoảng thời gian này là điều không hề dễ dàng gì. Nhưng lúc này, một khi các bạn chấp nhận tham gia cuộc chơi mang tên TPP thì các bạn phải cạnh tranh một cách khốc liệt với nhiều nước lớn trên thế giới", vị Đại sứ nhận xét.

Điều quan trọng với Việt Nam, tới đây, theo ông, là cần lựa chọn ngành công nghiệp then chốt, đầu tư con người, công nghệ một cách có trọng điểm. Ông dẫn ví dụ như dệt may, Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở khâu cuối thành phẩm, còn những sản phẩm thượng nguồn là sợi, chỉ... các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn bên ngoài. "Cần đầu tư vào những khâu đầu vào", ông nói. "Kể cả sản phẩm cuối cùng, không chỉ dừng lại việc hoàn chỉnh một chiếc áo, chiếc quần mà Việt Nam cần may hàng hiệu có giá trị gia tăng cao hơn đó mới là điều quan trọng".

Ngoài ra, theo cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, khi tham gia TPP, nông nghiệp và IT cũng là thế mạnh, nếu Việt Nam áp dụng công nghệ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đồng thời đào tạo được đội ngũ nhân lực công nghệ hàng đầu thì sẽ không bao giờ lép vế trước các nền kinh tế lớn khác./.