Quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ ngày càng được tăng cường trong thập kỷ vừa.

Tính đến tháng 10 năm 2015, vốn đầu tư của Vương quốc Bỉ tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng với 259,8 triệu USD vốn đăng ký trên 3 dự án (chiếm 62% tổng vốn FDI đăng ký).

Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 22 dự án, 94,5 triệu USD (chiếm 22% tổng vốn FDI đăng ký). Lĩnh vực vận tải kho bãi xếp thứ ba, có 7 dự án, đạt 27,39 triệu USD (chiếm 7% tổng vốn FDI đăng ký của Bỉ). Còn lại là các lĩnh vực khác.

Tính chung, Vương quốc Bỉ đã đầu tư vào 11/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Đầu tư của Vương quốc Bỉ tại Việt Nam chủ yếu theo 2 hình thức 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Hình thức liên doanh dẫn đầu về số vốn đăng ký 265,4 triệu USD trên 14 dự án (chiếm 63% tổng vốn FDI đăng ký). Hình thức 100% vốn nước ngoài có 45 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 155 triệu USD (chiếm 37% tổng vốn FDI đăng ký).

Các nhà đầu tư của nước này đã đầu tư vào 17/63 tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam. Với 2 dự án có tổng vốn đầu tư 278,4 triệu USD, Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI của Bỉ. Đứng thứ hai là Bắc Ninh có 1 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 42 triệu USD. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút được số lượng dự án nhiều nhất của Bỉ với 27 dự án nhưng quy mô dự án không lớn, xấp xỉ 0,4 triệu USD/dự án nên chỉ đứng thứ 6 về vốn đầu tư đăng ký và đạt khoảng 10,2 triệu USD.

Đáng chú ý nhất trong thời gian qua là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cấp phép tháng 10 năm 2014, tổng vốn đầu tư của dự án là 259,4 triệu USD.

Các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Bỉ có nhiều tiềm năng nhất là chế biến nông sản, kết cấu hạ tầng đô thị (xử lý nước và rác thải), hàng hải (nạo vét), dịch vụ hậu cần và kho vận, và công nghệ xanh. Trong quá trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam có nhu cầu đầu tư rất lớn cho phát triển các lĩnh vực này.

Việt Nam và Vương quốc Bỉ thiết lập quan hệ Ngoại giao ngày 22/3/1973. Vương quốc Bỉ mở sứ quán tại Hà Nội tháng 11/1975. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bruxelles tháng 01/1991. Hiện Vương quốc Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Bỉ chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, túi xách. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn. Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược.