Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ, mục tiêu vận động IDA tại Kỳ IDA 18 của Ngân hàng Thế giới (WB) là nhằm có được giai đoạn chuyển tiếp phù hợp trong trường hợp Việt Nam tốt nghiệp IDA năm 2017, bảo đảm khả năng trả nợ bền vững của ngân sách nhà nước trong thời gian tới, không tạo ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý tổng ODA và vốn vay ưu đãi sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các phương án vận động IDA tại Kỳ IDA18, trong đó nhấn mạnh các yêu cầu của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết quốc tế có liên quan; tiếp tục nỗ lực giảm nghèo đa chiều và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và quản lý nợ bền vững để thuyết phục các đối tác có vai trò và ảnh hưởng quan trọng (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Australia...) ủng hộ Việt Nam được giai đoạn chuyển tiếp phù hợp; xây dựng bộ tài liệu vận động đối tác để cung cấp cho Bộ Ngoại giao triển khai vận động; sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016 – 2010 phù hợp với tình hình mới và các quy định hiện hành về quản lý nguồn vốn này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thu thập thông tin, đánh giá tình hình và theo dõi những động thái của WB và nắm bắt quan điểm của WB và các cổ đông về vấn đề tốt nghiệp IDA của Việt Nam, chuẩn bị các phương án và vận động tại các phiên họp IDA 18 sắp tới.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ các phương án tốt nghiệp IDA của Việt Nam, tiếp tục đánh giá hệ quả của việc tốt nghiệp IDA đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, từ đó xây dựng các kịch bản trả nợ phù hợp với khả năng cân đối ngân sách để làm cơ sở làm việc với WB về đẩy nhanh trả nợ vốn IDA sau giai đoạn tốt nghiệp; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Định hướng vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016 – 2010 đáp ứng được yêu cầu cho phát triển, đồng thời bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai vận động, có lồng ghép nội dung này vào các cuộc tiếp xúc, hội đàm chính thức giữa Việt Nam và các đối tác lớn nêu trên.

Thực tế, nguồn vốn ODA trong thời gian tới chắc chắn không còn cao như các năm trước đây, vì Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

Nhiều nhà tài trợ đã rút lui với tư cách nhà tài trợ song phương, mặc dù họ tiếp tục cung cấp hỗ trợ thông qua nhiều kênh khác nhau, hoặc thông qua các chương trình hỗ trợ toàn cầu. Hà Lan đã ngừng hỗ trợ song phương vào năm 2012; Thụy Điển kết thúc hỗ trợ song phương vào năm 2013; Đan Mạch kết thúc vào năm 2015; DFID (Anh) kết thúc vào năm 2016; Phần Lan vào năm 2017-2018...

Còn lại các nhà tài trợ đa phương vẫn chưa có tuyên bố gì, ví dụ IDA17 của WB kết thúc vào năm 2017, thì liệu còn tiếp tục IDA 18 cho giai đoạn 2018-2020 hay không còn tùy thuộc vào cách ứng xử và khả năng hấp thụ vốn của Việt Nam?

Cơ cấu vốn vay cũng sẽ có nhiều thay đổi, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi sẽ giảm dần, nguồn vốn vay kém ưu đãi (lãi suất cao) sẽ tăng hơn (IBRD của WB, OCR của ADB...). Do đó, việc sử dụng ODA không thể "thoải mái" như trước.

Vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam cần ưu tiên định hướng sử dụng nguồn vốn còn lại theo hướng: tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; cải thiện cung cấp dịch vụ công; phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng; cải thiện mạng lưới an sinh xã hội (đặc biệt là bảo hiểm); tăng trưởng xanh; ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai; kỹ năng hoạch định chính sách phát triển, quản trị nhà nước./.