Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 43,64 tỷ USD với 4.777 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ...), tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam lên tới khoảng 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Tính riêng trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 6,39 tỷ USD qua 904 dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn. Nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại 45 địa phương của cả nước. Trong đó, các địa phương như: Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... là những địa phương nhận được nhiều đầu tư từ Hàn Quốc. Các hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài.

Trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn FDI Hàn Quốc chiếm 31,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nếu tính dự án của Tập đoàn Hyosung (660 triệu USD, đầu tư qua pháp nhân Thổ Nhĩ Kỳ), FDI Hàn Quốc chiếm 34,9% tổng vốn FDI tại Việt Nam, gấp 4,1 lần Nhật Bản; 6,2 lần Đài Loan và 6,8 lần Singapore (những đối tác FDI truyền thống đứng thứ 2,3,4 của Việt Nam).

Lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc

Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, chủ yếu là các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giày, dép... Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất, khi xuất hiện nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các TNCs Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử... Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án, nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng ... các công ty đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế, như: Samsung, Doosan, LG, Posco,CJ, Taekwang, Hyosung, Kumho...

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) được chính thức khởi động tại Hà Nội, ngày 06/08/2012. Cùng với Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) được ký kết vào tháng 06/2006 và có hiệu lực từ tháng 07/2007, Hiệp địnhVKFTA được ký kết ngày 05/05/2015 sẽ là văn bản pháp lý toàn diện nhất điều chỉnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiệp định VKFTA dự kiến sẽ mang lại nhiều triển vọng cho hai nước.

Trong thời gian tới, một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là: lĩnh vực công nghiệp điện tử (đi đầu là Samsung, LG cùng các doanh nghiệp vệ tinh); phân phối, bán buôn bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart); tài chính-bảo hiểm (Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha...); kinh doanh bất động sản (Daewoo, GS,Posco...); năng lượng (các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử ở cấp Chính phủ như Kepco, Doosan, Samsung C&T, Taekwang...); dịch vụ chất lượng cao, du lịch (Lotte ...); lương thực và chế biến thực phẩm (CJ); hàng may mặc (để xuất khẩu đón đầu các hiệp định FTA thế hệ mới, Hyosung, Taekwang, Panko...); dầu khí - hóa chất (GS, SK, Samsung...); nông nghiệp - trồng trọt (CJ...).../.