Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn theo hình thức Hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, giám sát nghiệm thu công tác thi công xây lắp, chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc vay vốn, giải ngân và thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước.

Về cơ chế thực hiện và cơ chế thanh toán vốn đầu tư của dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 7208/VPCP-KTN, ngày 15/10/2009 của Văn phòng Chính phủ và số 572/TTg-KTN, ngày 14/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn (Dự án) đã được Quốc hội đồng ý triển khai theo hình thức BT tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thanh toán cho nhà đầu tư tại văn bản số 7208/VPCP-KTN ngày 15/10/2009.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn là dự án giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế nói riêng và khu vực nói chung; sẽ nối thông với nhánh phía Đông đường Hồ Chí Minh, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh và giải quyết an toàn giao thông trong các mùa mưa lũ.

Dự án xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - Túy Loan (thuộc tuyến chính của đường Hồ Chí Minh), đã được Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT. Hiện tại đoạn Cam Lộ - Túy Loan được tách thành hai dự án thành phần gồm: Cam Lộ - La Sơn (dài hơn 103km) và La Sơn - Túy Loan (dài 83km).

Tuy nhiên, cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT, tổng mức đầu tư có tính lãi, áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Theo Bộ này, việc đầu tư đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ góp phần nối thông toàn tuyến nhánh đông đường Hồ Chí Minh, đồng thời hoàn thiện một phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khai thác đồng bộ với cao tốc Túy Loan - Cam Lộ với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải đã lập dự án đầu tư với quy mô hoàn chỉnh cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn kết hợp với Quốc lộ 1 đã được mở rộng lên 4 làn xe thì sau năm 2025 mới cần cao tốc quy mô 4 làn xe. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu lập Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn I với quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đồng thời, để giảm gánh nặng trả nợ cho ngân sách nhà nước, cũng như bảo đảm tính khả thi cho các dự án BOT Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang triển khai, chuẩn bị thu phí, Bộ đã đề xuất đầu tư Dự án theo hình thức BT kết hợp BOT.

Theo đó, đối với phần vốn BOT khoảng 1.700 tỷ đồng (đầu tư từ đoạn Km 85 +850 - Km102 + 200, dài 16 km), thu phí để hoàn vốn, mức phí theo Thông tư số 159/BTC, dự kiến đặt trạm thu phí tại vị trí giao cắt với phía Nam tuyến tránh TP. Huế (Km82+500), thời gian hoàn vốn khoảng 23 năm.

Đối với đoạn BT có tổng mức đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng sẽ đầu tư đoạn từ Km0 - Km70 +350 với thời gian dự kiến trả 10 năm sau khi hoàn thành Dự án (từ năm 2018 - 2027), mỗi năm dự kiến trả khoảng 1.200 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong thời gian xây dựng và lãi vay trả chậm)./.