Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh nội dung Danh mục Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" sử dụng viện trợ (ODA) không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan.

Cụ thể, gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/6/2016. Kinh phí bổ sung 1.313.000 Euro từ bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện hỗ trợ cho các hoạt động của Dự án.

Dự án Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam với sự tài trợ của chính phủ Hà Lan, do Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt nam thực hiện. Giai đoạn I của Dự án được tiến hành từ 2003-2006 ở phạm vi 12 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã xây dựng được 18.000 công trình khí sinh học (hầm biogas).

Với kinh phí tài trợ của Hà Lan 3,7 triệu Euro và vốn đối ứng của các tỉnh, trong giai đoạn II (2007-2012), dự án đã hoàn thành xây dựng 140.000 công trình khí sinh học trên 58 tỉnh, thành, xây dựng thành công mục tiêu thiết lập một ngành khí sinh học phát triển bền vững mang tính thị trường tại Việt Nam; góp phần làm giảm khoảng 420.000 tấn CO2 tương đương phát thải khí nhà kính mỗi năm, thay thế khoảng 200.000 tấn củi hoặc phế thải nông nghiệp mỗi năm bằng nguồn năng lượng sạch, đồng thời tạo ít nhất 2.500 việc làm về cung cấp dịch vụ và xây dựng công trình khí sinh học cho người dân nông thôn.

Với những thành tựu của Dự án đạt được và lợi ích mang lại cho người dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định số 2418/QĐ-BNN-HTQT, ngày 5/10/2012 về việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2014 với tổng kinh phí Dự án: 44.180.000 Euro, gồm vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan; các nguồn bổ sung từ các nhà tài trợ khác và bán giảm phát thải khí nhà kính..

Các nội dung hoạt động của Dự án là: (1) Hỗ trợ nông dân xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas); (2) Tuyên truyền tiếp thị để thay đổi nhận thức của người nông dân theo hướng sản xuất chăn nuôi có hiệu quả kinh tế bền vững và có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng; (3) Đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, thợ xây của dự án có tay nghề cao để hướng dẫn nông dân và đảm bảo chất lượng xây dựng công trình khí sinh học; (4) Nghiên cứu và hướng dẫn sử dụng phụ phẩm khí sinh học chủ yếu là nước xả sau quá trình sinh khí để tưới bón cho cây trồng và làm thức ăn nuôi nhằm sử sụng hiệu quả tối đa sản phẩm khí sinh học, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, khép kín chu trình; (5) Quản lý tốt chất lượng công trình và tài chính của dự án.

Mức hỗ trợ của Dự án cho các hộ nông dân tham gia xây dựng công trình khí sinh học không nhiều. Mỗi hầm biogas dù lớn hay nhỏ được Dự án hỗ trợ 1.200.000 đồng (bao gồm phía Hà Lan tài trợ 675.000 đồng, kinh phí đối ứng của tỉnh hỗ trợ 575.000 đồng).

Dự án đã được trao giải nhất Năng lượng toàn cầu năm 2006 tại Brussel, Bỉ. Đây là giải thưởng danh giá trao cho các dự án được ghi nhận là có đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu hiện tượng nóng lên của trái đất.

Năm 2010, Dự án được trao giải thưởng Năng luợng bền vững Ashden tại Luân Đôn cho những nỗ lực phổ biến công nghệ Khí sinh học trong nước trên diện rộng với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân Việt Nam.

Năm 2012, Dự án một lần nữa được giải thưởng “Vì con người” của Diễn Đàn Năng lượng Thế giới 2012 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất./.