Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 03 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ gồm các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương của thành phố Thái Nguyên; thị trấn Quân Chu và các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu của huyện Đại Từ; xã Phúc Tân của thị xã Phổ Yên.

Mục tiêu của dự án là sẽ xây dựng đồng bộ Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc nhằm kết nối khu du lịch Hồ Núi Cốc với các khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử với khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, 15.000 tỷ đồng được chi bằng ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.

Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha (trong đó hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha). Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án, gồm: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150 m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch: vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch; vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.

Lễ động thổ xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc

Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp đã thành công với nhiều dự án du lịch tâm linh trên địa bàn cả nước, điển hình như dự án Quần thể khu du lịch Tràng An – Chùa Bái Đính, tại tỉnh Ninh Bình; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam. Đây là hai dự án tiêu biểu có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng; là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, mang lại những giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đầu tư.

Giai đoạn 1 của Dự án (2016-2019), chủ đầu tư tập trung xây dựng các công trình giao thông: đường vào hồ Núi Cốc, đường quanh hồ Núi Cốc, đường kết nối từ hồ Núi Cốc đền Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa; xây dựng đền thờ Tam Tòa Thành Mẫu, khu chùa Tháp, khu bến thuyền, khu bến xe điện... Dự kiến, đến hết năm 2019, dự án hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu đón khách du lịch.

Giai đoạn 2 của Dự án dự kiến thực hiện trong 15 năm từ năm 2020-2035. Nhà đầu tư sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí, khu tiểu cảnh quang hồ; hệ thống khách sạn, khu Resort cao cấp, khu nghỉ dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân và du khách thập phương; xây dựng khu làng văn hóa du lịch.

Khu du lịch Hồ Núi Cốc là dự án đầu tư có quy mô lớn nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Dự án còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên cũng như cả nước./.

Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo nằm liền kề dưới chân núi Tam Đảo, được khởi công xây dựng từ năm 1973, hồ trải dài trên địa bàn huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên với diện tích mặt nước rộng khoảng 2.500 ha, với gần 89 hòn đảo lớn nhỏ; vùng hồ có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong sạch. Ngoài chức năng thủy lợi, Hồ Núi Cốc còn có tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh... đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội bền vững của tỉnh Thái Nguyên.