Nhiều tiềm năng, lợi thế

Phát biểu tại buổi họp báo công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2015 vào sáng nay tại Hà Nội, ông Atsusuke Kawada, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, trong số 557 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam tham gia khảo sát, có 58,8% doanh nghiệp làm ăn có lãi, giảm 3,5% so với năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 26,2%, tăng 1,3% so với năm 2014.

Ông Atsusuke Kawada phát biểu tại họp báo

Mặc dù vậy, có tới 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định vẫn tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh và coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng. Nếu so sánh kết quả này với

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 6 năm 2015, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam chỉ sau Hàn Quốc với 2.661 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 37,7 tỷ USD.

Trung Quốc (38,1%) và một số nước ASEAN (Thái Lan 49%, Malaysia 44,6%), thì kết quả của Việt Nam khá cao. Lý do chính mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là họ muốn tăng doanh thu (84,6%), và nhận định môi trường đầu tư ở Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao, đặc biệt ở những lĩnh vực như chế tạo hay dịch vụ…

Đánh giá về lợi thế môi trường đầu tư, trong số 15 quốc gia cùng tham gia khảo sát, Việt Nam đứng thứ 3 về lợi thế chi phí nhân công giá rẻ, chi phí nhân công trong ngành công nghiệp chế tạo chưa bằng một nửa Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Hơn một nửa doanh nghiệp đánh giá cao về tình hình chính trị - xã hội ổn định, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng.

Bên cạnh những thuận lợi từ môi trường kinh doanh trong nước, ông Atsusuke Kawada cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản đều đặt nhiều kỳ vọng vào việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Trước hết đối với AEC, các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam kỳ vọng lớn nhất vào việc các thủ tục hải quan sẽ được đơn giản hóa. Những mục tiêu tiếp theo được kỳ vọng là thuế nhập khẩu được dỡ bỏ, chính sách thuế thông thoáng hơn và việc vận dụng – giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ được thống nhất.

Tương tự đối với TPP, 66% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng về “thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan”, tiếp đến là “tiếp cận thị trường hàng hóa”và “quy tắc nguồn gốc xuất xứ”.

Gỡ khó để đẩy mạnh thu hút đầu tư

Theo báo cáo của JETRO, bên cạnh những thuận lợi, thì rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng đang tồn tại. Một trong những rủi ro lớn nhất là hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch (60%). Tiêu chí này xếp thứ 3 từ dưới lên trong số các quốc gia được JETRO tiến hành khảo sát, chỉ trên Campuchia và Indonesia. So sánh với kết quả khảo sát năm 2014, thì kết quả này có xu hướng xấu đi, không có sự cải thiện so với năm trước. Mặc dù chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp Nhật Bản thì họ chưa cảm nhận được những cải cách, thay đổi đó của chính phủ. Năm 2015, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi được ban hành, nhưng những văn bản, thông tư hướng dẫn thì lại chưa được ban hành kịp thời nên doanh nghiệp Nhật Bản chưa cảm nhận được những thay đổi này tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, thì doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng các quy định của Việt Nam thiếu nghiên cứu trước khi xây dựng, nội dung văn bản pháp luật xa rời thực tế; nội dung văn bản pháp luật cũng không rõ ràng, dẫn tới vận dụng không thống nhất…

Một khó khăn khác trong việc kinh doanh tại Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản là vấn tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 32,1%, giảm nhẹ so với năm trước và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%) hay Indonesia (41%).

Do đó, ông Atsusuke Kawada cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước, có đối sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để doanh nghiệp Nhật Bản thấy được sự thay đổi để từ đó tăng cường đầu tư./.