Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là góp phần giảm một số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%/năm, trong đó số hộ nghèo ở các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho người/hộ nghèo, người/hộ cận nghèo, người/hộ mới thoát nghèo, người/hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn trọng điểm sau: xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Chương trình này gồm 5 dự án thành phần gồm: Chương trình 30a, chương trình 135; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập, đa dạng sinh kế; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình trong 5 năm tới là hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là gần 41.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 4.490 tỷ đồng. Còn lại là vốn huy động cộng đồng, doanh nghiệp là 2.030 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, có sự trùng lắp về phạm vi giữa Chương trình này với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã yêu cầu làm rõ phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, không để trùng lắp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và trùng lắp giữa các dự án thành phần, các hợp phần của các dự án thành phần thuộc Chương trình.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp lồng ghép Chương trình với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; phân cấp mạnh cho các địa phương và hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện việc phân vốn, kiểm soát và sử dụng vốn của Chương trình hiệu quả.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sớm hướng dẫn các địa phương việc triển khai ngân sách năm 2016 đã được phân bổ để thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững như giai đoạn 2011-2015.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị nội dung ngắn gọn, cụ thể, đưa ra giải pháp thiết thực phục vụ cho việc triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, nhất là những giải pháp giảm mạnh chính sách cho không, thay đổi tư tưởng ỷ lại từ cơ sở, phân cấp, lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng địa bàn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền điện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 đến nay; trường hợp cần thay đổi, đề xuất phương án cụ thể.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế thống nhất, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, quy định rõ tiêu chí xác định và công bố để làm căn cứ xem xét xác định đối tượng tiếp tục thuộc diện hưởng chính sách theo Chương trình 30a, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, trình Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016.

Cụ thể, phê duyệt danh sách 3.423 thôn đặc biệt khó khăn của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư 3.372 thôn của 41 tỉnh; ngân sách địa phương đầu tư 51 thôn của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Quảng Ninh; Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai.

Những địa phương có số lượng cao các thôn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016 là: Sơn La với 274 thôn thuộc huyện Bắc Yên, huyện Quỳnh Nhai, huyện Sốp Cộp, huyện Phú Yên, huyện Yên Châu, huyện Thuận Châu, huyện Sông Mã, huyện Mai Sơn, thành phố Sơn La, huyện Mường La, huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ; tỉnh Gia Lai có 245 thôn thuộc thị xã Ayun Pa, huyện Chư Prông, huyện Chư Păh, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Đak Đoa, huyện Đức Cơ, huyện Đak Pơ, huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa, huyện Kbang, huyện Kông Chro, huyện Krông Pa, huyện Ia Grai, huyện Mang Yang; tỉnh Nghệ An có 237 thôn thuộc huyện Kỳ Sơn, huyện Tương Dương, huyện Con Cuông, huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu, huyện Quỳ Hợp, huyện Nghĩa Đàn, huyện Tân Kỳ, huyện Anh Sơn, huyện Thanh Chương, huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, huyện Yên Thành…/.