Dự án mở rộng, hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc có chiều dài 30km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng – Hòa Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là Km31+064 (giao cắt với QL21). Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm: 2 dải đường cao tốc quy mô 3 làn xe rộng 16,25m; 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị.

Tuyến đường Láng – Hòa Lạc không chỉ nối liền Thủ đô Hà Nội với các chuỗi đô thị vệ tinh: Xuân Mai, Miếu Môn, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các Dân tộc Việt Nam mà còn là cung đường mở đầu, nối với đường Hồ Chí Minh tại điểm xuất phát đầu tiên là Hòa Lạc. Tuyến đường còn hòa với các quốc lộ khác trong vùng, như: Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Quốc lộ 37, Quốc lộ 2… tạo thành mạng giao thông liên kết các vùng kinh tế, an ninh, quốc phòng quan trọng ở phía Bắc của đất nước.

Dù đã đi vào khai thác được 5 năm, dự án vẫn còn một số hạng mục dang dở, chưa hoàn thành

Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hoà Lạc được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tổng đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng với cơ cấu nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gồm: ngân sách trung ương 1.840 tỷ đồng (đã được bố trí và giải ngân hết năm 2010) và vốn từ ngân sách TP Hà Nội (được huy động theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất) là 5.687 tỷ đồng.

Để phục vụ ngày lễ trọng đại phục vụ chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành, kịp thông xe vào cuối năm 2010.

Tuy nhiên, đến giờ, dù đã đi vào khai thác được 5 năm, dự án vẫn còn một số hạng mục tại nút giao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất (tại các vị trí đấu nối với QL21 của các nhánh ram 2.1 (Sơn Tây – Làng Văn hoá), ram 2.2 (Hà Nội – Xuân Mai), ram 4.2 (Làng Văn hoá - Sơn Tây) và đảo trồng cây xanh tại ram 4) chưa thể thi công, với lý do không có kinh phí để đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 8 tỷ đồng); ngoài ra, còn thiếu kinh phí để thi công các khối lượng còn lại (khoảng 20 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, số kinh phí cho phần khối lượng đã thi công hoàn thành và đã được nghiệm thu nhưng vẫn đang nợ đọng các đơn vị thi công do chưa có vốn để giải ngân với con số khoảng 307 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, để xảy ra tình trạng dự án dở dang như đã nêu là do ngân sách TP. Hà Nội và việc huy động nguồn vốn theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn gặp khó khăn, nên địa phương này chưa bố trí đủ vốn cho dự án.

Cụ thể, theo quyết định phê duyệt dự án, vốn từ ngân sách thành phố là 5.687 tỷ đồng, trong khi Hà Nội mới huy động được 4.909 tỷ đồng, còn thiếu 777 tỷ đồng.

Đã vậy, hiện còn rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di chuyển nhường chỗ cho thi công, như tuyến đường điện hạ thế tỉnh lộ 70 đến nay chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển; đường điện cáp ngầm, đường điện hạ thế nút giao Phú Đô cũng chưa hoàn tất trả lại mặt bằng trên địa phận huyện Từ Liêm, huyện Hoài Đức.

Để khắc phục tình trạng thiếu vốn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương bố trí đủ vốn để Bộ Giao thông vận tải thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thi công hoàn thành dứt điểm Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc trong năm 2016.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội làm việc, thống nhất việc chuyển các trạm biến áp phục vụ chiếu sáng của các dự án giao thông để tiếp nhận, quản lý các trạm biến áp này theo đúng quy định của pháp luật./.