Đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường

Mục tiêu chung của Dự án là tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động quốc gia về REDD+, đó là giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính của rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu” và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững.

Cụ thể, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật cho Ban Chỉ đạo, Văn phòng REDD+, một số cơ quan có liên quan ở Trung ương và 6 tỉnh thuộc Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+. Qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức và năng lực kỹ thuật bảo đảm việc quản lý điều phối và vận hành hiệu quả các chương trình, dự án về REDD+.

Dự án trên gồm 4 hợp phần được thực hiện với tổng kinh phí là 5.702.000 USD, trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Đối tác các bon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới là 5 triệu USD, vốn đối ứng là 702.000 USD.

Nước ta đang thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm phấn đấu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 25%.

Trước đó, trong hội thảo công bố sáng 12/10/2015, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam đã gửi Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào hôm 30/9/2015.

INDC là một nhân tố chính để 195 nước cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính, giữ cho Trái đất không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo ông Hiếu, đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Tuy nhiên Việt Nam có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế. Cụ thể, ông Hiếu cho hay Việt Nam chỉ có thể bố trí 3,2 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu 25% này và cần quốc tế hỗ trợ 17,9 tỷ USD còn lại, trong tổng dự kiến tài chính 21 tỷ USD.

Trong INDC, Việt Nam còn có hợp phần về thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ thực hiện nhiều hoạt động giúp tăng khả năng chống chịu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam phấn đấu đến 2030 sẽ giảm 2%/năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm. Độ che phủ rừng sẽ được nâng lên 45%, diện tích rừng phòng hộ ven biển lên 380.000 ha, trồng thêm rừng ngập mặn từ 20.000 đến 50.000 ha./.