Đắp chiếu dự án nghìn tỷ đồng do thiếu vốn

Sau khi thực hiện dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn I năm 2002 hoàn thành đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) được Chính phủ cho phép đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (trước khi cổ phần hóa) để nâng công suất sản xuất phôi thép đạt trên 1 triệu tấn/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.

Dự án đã được Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 684/QĐ-ĐT, ngày 5/10/2005. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 3.843 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước cùng nhiều nguyên nhân khách quan đã dẫn đến chậm tiến độ thi công, đồng thời tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 15/5/2013, chủ đầu tư đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng, nhưng do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung, nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên cho biết, nếu theo đúng lộ trình thì thời điểm 1/4/2016 tái khởi động dự án và sẽ hoàn thành vào ngày 1/1/2018, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có chuyển động gì.

Ông Diệp cho biết mặc dù đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhưng chủ đầu tư chưa đàm phán thu xếp được vốn vay bổ sung từ phía các ngân hàng tài trợ, do vậy dự án vẫn chưa thể khởi động lại được.

Hàng tháng TISCO vẫn phải chi trả gần 30 tỷ đồng tiền lãi vay của dự án, đây là gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của TISCO và ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương và việc làm cho gần 6.000 lao động.

Mặt khác, dự án tạm dừng thi công do thiếu vốn nên toàn bộ công trường bị đình trệ, máy móc vật tư thiết bị để lâu ngày chưa lắp đặt đã xuống cấp, hư hỏng...

Tháo gỡ khó khăn cho dự án: Ngược chiều quan điểm

Trong tháng 3/2016, Tisco, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đều đã có ý kiến góp ý cho dự án này với quan điểm khá trái chiều. Trong khi Bộ Công thương ủng hộ các đề nghị của Tisco và kiến nghị cho phép Dự án được hưởng một số ưu đãi về miễn giảm thuế, thì Bộ Tài chính lại bác bỏ và cho rằng những ưu đãi này vượt khung quy định hiện hành.

Cụ thể, đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 1926/BCT-CNNg ngày 8/3/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các nội dung liên quan đến dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 để làm cơ sở pháp lý tái khởi động lại dự án.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã văn bản có đề nghị với Chính phủ chấp thuận cho Công ty được điều chỉnh lần 2 tổng mức đầu tư theo báo cáo thẩm tra số 2226/VKT-TTTV. Đồng thời chủ đầu tư và nhà thầu sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật…

Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC), đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia cùng Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Tisco tháo gỡ khó khăn của Dự án, lại có những quan điểm riêng.

Về tổng mức đầu tư của dự án, theo báo cáo của Tisco, sau khi được rà soát lại, tổng vốn đầu tư đã được nâng lên 9.030 tỷ đồng thay vì 8.104 tỷ đồng trước đó. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế Xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu MCC. Với tổng mức đầu tư này, tỷ suất sinh lời nội tại (IRR) và thời gian thu hồi vốn đều không đạt.

Về vấn đề này, theo SCIC, các tổng mức đầu tư của dự án sau khi rà soát lại này cũng chưa vững chắc, bởi có nhiều phần công việc chưa thể tính toán được.

Đơn cử, chi phí dự trù cho việc mua sắm lại thiết bị hỏng hóc và vật liệu phần P (trong hợp đồng EPC) do dừng thi công lâu ngày dẫn tới gỉ sét là 5 triệu USD song phần lớn các thiết bị dù đã được chuyển tới công trường nhưng lại chưa mở hòm và kiểm định. “Các đề xuất của Tisco về cơ chế đặc thù cho Dự án đều vượt khung quy định của pháp luật hiện hành”, SCIC nhận xét.

Đó là chưa kể tới thực tế, giá phôi thép năm 2015 từ Trung Quốc chỉ là 6,5-7 triệu đồng/tấn, thấp hơn khá xa so với mức được đưa ra để tính toán hiệu quả của dự án.

Ngay cả thời điểm tháng 4/2016 để khởi động lại dự án cũng được SCIC cho là không dễ dàng, bởi có hàng loạt công việc liên quan cần phải hoàn tất trước đó, như ký lại hợp đồng tín dụng với các ngân hàng; xác định khối lượng, lập và thẩm định dự toán cho các công việc còn lại, chọn nhà thầu theo quy định, có giải pháp dứt điểm với nhà thầu cũ để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu mới...

Đó là chưa kể tới cả trăm tỷ đồng tiền bồi thường. Cụ thể, trong các điều khoản mà Tisco thương thảo với MCC để Dự án tiếp tục được triển khai, có khoản chi phí bồi thường thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật từ tháng 6/2012 đến khi tái khởi động lại Dự án là 105 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có một khoản 86,4 tỷ đồng là chi phí bàn giao, bảo quản, kiểm tu, sửa chữa tại hiện trường cũng được MCC đặt ra với Tisco.

MCC còn liệt kê các khoản chi hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng tăng thêm khác trong việc vận hành lại Dự án này. Đó là khoản 27,6 tỷ đồng tăng thêm để khắc phục khuyết tật phần xây dựng đã thi công do Dự án kéo dài tiến độ; 41,5 tỷ đồng phát sinh của dịch vụ sau bán hàng; 225 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng phần P trong gói thầu EPC số 01 hay 20 tỷ đồng tăng thêm của chi phí quản lý dự án cho phần công việc tiếp tục còn thực hiện đến khi đưa Dự án vào sản xuất.

Còn trong Công văn 4199/BTC-TCT góp ý cho các kiến nghị của Bộ Công Thương về dự án Mở rộng giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), về đề nghị cho hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu với các loại vật tư, thiết bị công cụ, dụng cụ còn lại cho giai đoạn thi công tiếp theo của Dự án với số tiền khoảng 65,5 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Thuế xuất nhập khẩu. Trước đó, Dự án đã được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu với thiết bị.

Đối với đề nghị cho được miễn thuế nhà thầu khoảng 133 tỷ đồng, Bộ Tài chính đã viện dẫn rất nhiều văn bản hiện hành để cho rằng, theo quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp nước ngoài phát sinh doanh thu từ việc thực hiện hợp đồng cung ứng, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế với phần doanh thu này.

Bởi vậy, “đề nghị này của Bộ Công Thương không có căn cứ pháp lý để thực hiện”, Bộ Tài chính khẳng định.

Với đề nghị của Bộ Công thương liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam về khoản nợ gốc, xóa nợ lãi trong thời gian dừng thi công, điều chỉnh thời gian cho vay, điều chỉnh thời gian trả nợ, Bộ Tài chính yêu cầu: “Đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành để đảm bảo yêu cầu an toàn nợ công”.

Trước ngày 01/7/2016, phải có phương án báo cáo Thủ tướng

Trước bối cảnh đó, Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên đã được dành một phần thời gian thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ.

Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước sẽ không bỏ tiền cứu các dự án kém hiệu quả.

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp này.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương: thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án, trong đó có phương án bán dự án, phương án bán Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý đối với Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/7/2016.

Như vậy, kết luận trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy khả năng, dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên sẽ phải vận hành theo cơ chế thị trường. Đây có thể là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết vì tính hiệu quả, nguồn vốn đầu tư cho dự án vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải./.