Theo thông báo kết luận, Kỳ IDA 17 là kỳ cuối cùng Ngân hàng Thế giới (WB) phân bổ vốn IDA (nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới - WB) cho Việt Nam giai đoạn 2014-2017, sau đó Việt Nam có thể phải chuyển sang vay nguồn vốn vay ưu đãi.

“Do vậy, các cơ quan quản lý tổng hợp và các cơ quan liên quan phải tập trung chỉ đạo, hoàn tất thủ tục theo quy định để tiếp nhận được toàn bộ và kịp thời nguồn vốn IDA đã phân bổ cho Việt Nam, đồng thời có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với 02 dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” và “Nâng cao hiệu quả giáo viên” vay vốn IDA, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ nguyên phạm vi Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” phù hợp với lượng vốn IDA được phân bổ cho Dự án; việc mở rộng phạm vi Dự án sẽ được xem xét sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 2 dự án; các cơ quan liên quan hoàn tất các quy trình, thủ tục cần thiết trước ngày 20/5/2016 để bảo đảm đủ thời gian đàm phán, tiếp nhận dự án trong tài khóa 2016 của WB theo quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc đàm phán kỹ thuật đối với 02 dự án sử dụng vốn IDA nói trên và các dự án IDA còn lại trong tài khóa 2016.

Đối với các dự án của tài khóa 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, bảo đảm tiếp nhận trong năm tài khóa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát danh sách các dự án thuộc tài khóa 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án đề xuất cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt chủ trương đầu tư, loại bỏ các dự án không hiệu quả.

Các cơ quan chủ quản dự án thực hiện rà soát công tác chuẩn bị trên nguyên tắc: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn, không sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các hoạt động tăng cường năng lực, tăng cường cho vay lại đối với nguồn vốn này.

Để có cơ sở xác định khả năng tiếp nhận vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong trung hạn, bảo đảm an toàn nợ công, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo tỷ trọng vốn vay ODA và vay ưu đãi trong tổng đầu tư ngân sách nhà nước, khả năng cân đối vốn đối ứng để thực hiện.

Việc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải đặt trong tổng thể an toàn nợ công, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công.

Trước đó, Báo cáo nghiên cứu những thay đổi về chính sách viện trợ cho Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nêu rõ: Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9,5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.

Việc trả nợ này sẽ thực hiện theo hai phương án. Ở phương án 1, Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh gấp đôi tốc độ trả nợ, tức các khoản vay 25 năm sẽ phải trả trong khoảng 12-15 năm. Khi đó, Việt Nam sẽ được hưởng lãi suất có phần ưu đãi là 2%;

Còn nếu chọn phương án 2 là giữ nguyên thời gian trả nợ, khi đó lãi suất áp dụng sẽ là lãi suất đang vay (khoảng 2%) cộng thêm 1,4-1,5%, tương đương điều kiện vay với lãi suất 3,4 -3,5% trong thời hạn 25 năm.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2017, tổng số vốn vay ưu đãi phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh và thuộc phạm vi tính toán tác động khoảng 18-19 tỷ USD. Bao gồm tổng dư nợ IDA tính đến ngày 31/12/2014 khoảng 11 tỷ USD. Dự báo các năm 2016-2017 khoảng 3-3,5 tỷ USD (cho đến khi tốt nghiệp IDA vào 1/7/2017).

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu Việt Nam tốt nghiệp IDA từ tháng 7/2017, việc chấm dứt hoàn toàn nguồn vốn này sẽ là một cú “sốc” đối với các lĩnh vực, các đối tượng đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn này trong giai đoạn trước đây: giáo dục, y tế, công bằng xã hội, giảm nghèo đặc biệt cho đối tượng vùng sâu, vùng xa và phụ nữ.

Vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch vận động WB có một bước “đệm” với nguồn vốn vay IDA ưu đãi để giảm “sốc” cho các lĩnh vực nói trên.

Trong thời gian tới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần ưu tiên định hướng sử dụng nguồn vốn còn lại theo hướng: tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; cải thiện cung cấp dịch vụ công; phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng; cải thiện mạng lưới an sinh xã hội (đặc biệt là bảo hiểm); tăng trưởng xanh; ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai; kỹ năng hoạch định chính sách phát triển, quản trị nhà nước.

IDA chuyên cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo nhất thế giới với mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo thông qua việc cung cấp các khoản cho vay không có lãi suất (còn gọi là khoản tín dụng) cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại cho các chương trình/dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng cũng như cải thiện đời sống.

Việt Nam đã được hưởng nguồn vốn IDA từ 1993 và sử dụng nó theo những điều khoản thông thường. Nguồn vốn này cho phép Việt Nam lựa chọn khoản vay với thời gian đáo hạn là 40 năm, 10 năm ân hạn và lãi suất bằng 0.

Nếu chuyển sang hình thức vay IBRD, Việt Nam được tạo điều kiện linh hoạt trong việc lựa chọn lãi suất và đồng tiền vay nợ và sẽ được tiếp cận được hàng loạt sản phẩm mới theo hình thức vay này. Nguồn vốn IBRD sẽ hỗ trợ các mục tiêu phát triển của Việt Nam như đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng, giáo dục và nhu cầu về năng lượng.

Đặc biệt, nếu vay vốn theo hình thức này Việt Nam sẽ có thêm 5 năm để chưa phải trả nợ gốc. Đồng thời những khoản phí để tiếp cận theo IBRD cũng thấp hơn các hình thức vay khác. Vay theo hình thức IBRD Việt Nam có thể sử dụng lãi suất biến đổi hoặc lãi suất cố định. Với việc tiếp cận IBRD trong thời gian dài hạn Việt Nam được hỗ trợ trong việc quản lý việc lựa chọn lãi suất cũng như việc lựa chọn đồng tiền trong suốt quá trình vay.

Ngoài ra, việc vay vốn từ IBRD có thể giúp Chính phủ Việt Nam dễ dàng hơn trong việc quản lý nợ ở cấp Trung ương và cấp địa phương.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, WB là nhà tài trợ đa phương hàng đầu cho Việt Nam. Giai đoạn 1993-2015, tổng vốn cam kết của WB cho Việt Nam lên tới hơn 20,1 tỷ USD. Trong đó, vốn vay IDA cam kết khoảng 17,32 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào giao thông, đô thị, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, y tế và cải cách chính sách./.

Ngân hàng Thế giới (WB) là một tổ chức quốc tế gồm có 5 cơ quan hoạt động tương đối độc lập với nhau gồm: (i) Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA); (ii) Ngân hàng Quốc tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD); (iii) Công ty Tài chính Quốc tế (IFC); (iv) Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA); và (v) Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp Đầu tư (ICSID). Liên quan đến WB trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo là nói đến hai tổ chức IBRD và IDA. Mỗi tổ chức đều có vai trò riêng biệt trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển.