Bổ sung hạng mục xây dựng cầu Đò Cung qua sông Lam

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bổ sung hạng mục xây dựng cầu Đò Cung, tỉnh Nghệ An vào Dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Nghệ An về phương án đầu tư xây dựng cầu Đò Cung qua sông Lam và quyết định việc bổ sung hạng mục xây dựng cầu Đò Cung vào Dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh, bảo đảm sự gắn kết và mang lại hiệu quả của hạng mục bổ sung đối với Dự án, không làm tăng tổng mức đầu tư, không ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án.

Phê duyệt danh mục Dự án Tăng cường quản lý đất đai

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án trên được triển khai tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố từ năm 2016 - 2022 với tổng mức đầu tư dự kiến là 180 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án mang lại là phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện dự án thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.

Cụ thể, Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc; hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành liên quan; hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hoá các văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ đến việc hoàn thiện trang thiết bị đầu - cuối của các văn phòng đăng ký đất đai; nâng cao hiệu quả nhận thức của cộng đồng đối với công tác quản lý, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai.

Điều chỉnh Dự án Giao thông nông thôn 3

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh nội dung chủ trương đầu tư Dự án "Giao thông nông thôn 3 - Phần vốn bổ sung" (Dự án) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Vương quốc Anh (DFID) tài trợ.

Cụ thể, Dự án trên được điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư là 2.369.561,03 USD; trong đó, giảm vốn do WB/DFID là 3.088.038,15 USD; tăng vốn đối ứng 718.477,12 USD.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, bảo đảm mức vốn đối ứng sau điều chỉnh phù hợp với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Dự án "Giao thông nông thôn 3" được triển khai tại 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm nâng cao điều kiện đi lại của nhân dân, nâng cao khả năng tiếp cận của các địa phương vùng sâu, vùng xa với các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội…

Phê duyệt danh mục Dự án Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các trường sư phạm nòng cốt trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Đồng thời hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, hoạch định chính sách của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; hỗ trợ các trường sư phạm trong hoạt động hỗ trợ phát triển chuyên môn của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Dự án gồm 2 thành phần. Thành phần 1 - tăng cường năng lực cho các trường sư phạm để đào tạo có chất lượng và bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Thành phần 2 - hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực.

Cơ quan chủ quản của dự án là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự án được triển khai tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học sư phạm được lựa chọn.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 100 triệu USD. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2016-2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh văn kiện Dự án, chịu trách nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư./.