Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Đối thoại chính sách đầu tư 2016” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty KPMG tại Việt Nam tổ chức sáng 28/6.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nửa đầu chặng đường năm 2016, Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng chưa thật vững chắc, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015.

Trong bối cảnh năm 2016 có nhiều thay đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, bộ máy Chính phủ mới được kiện toàn đã và đang chỉ đạo mạnh mẽ với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, cũng như sẵn sàng đối mặt với những khó khăn của nền kinh tế. Vừa qua Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 với mục đích cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư..., nhưng Chính phủ vẫn mong muốn lắng nghe "cần làm gì thêm nữa" để doanh nghiệp phát triển.

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, tăng trưởng kinh tế của cả nước 6 tháng đầu năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng các doanh nghiệp. Trong đó, nổi lên đóng góp lớn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Không chỉ đạt quy mô về số lượng, mà còn có sự thay đổi về chất trong hoạt động đầu tư FDI với nhiều dự án tỷ USD được đưa vào hoạt động, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

“Doanh nghiệp FDI hiện chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó doanh nghiệp trong nước liên tục nhập siêu. Nhờ xuất siêu của khối FDI, Việt Nam đã xuất siêu 1,64 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2016”. GS Nguyễn Mại nhấn mạnh thêm.

Đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế các doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thời gian tới, cần xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra cơ sở pháp lý để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, tăng cường tuyên truyền phổ biến các chính sách về thuế đến người dân và doanh nghiệp. Hiện đại hóa, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ quản lý thuế, cần thực hiện hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% cho năm 2016 từ nay đến cuối năm đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của toàn xã hội và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam phải tận dụng cơ hội, tăng cường hợp tác với nhau để phát triển. Theo Bộ trưởng Dũng, để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn cần chú trọng đến tính liên kết.

“Một con thuyền đơn độc ra khơi chắc chắn sẽ khó khăn, nhưng nhiều con thuyền lớn cùng đi, cùng hỗ trợ nhau sẽ vượt được bão, sẽ ra được biển lớn”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trước đây chúng ta nặng về quản lý thì giờ chúng ta chuyển sang phục vụ doanh nghiệp. Trước đây chúng ta chỉ chặt chẽ khâu đầu, tức là lúc chưa cấp phép, nhưng sau đó thì buông lỏng quản lý. Giờ chúng ta sẽ thay đổi theo hướng doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ các khâu sau, không buông lỏng quản lý.

“Với hơn 3.000 giấy phép con đã được loại bỏ trong tổng số gần 6.000 giấy phép con. Tinh thần rà soát là rất khẩn trương, nhưng Chính phủ yêu cầu không phải là tiến độ, mà phải đảm bảo chất lượng, không nâng cấp một cách "cơ học" các thông tư lên nghị định, mà phải sửa đổi theo tinh thần những gì không còn phù hợp, cần thiết thì phải loại bỏ. Những gì không minh bạch, cụ thể thì phải cụ thể hoá ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ hướng tới sự thân thiện, cởi mở hơn. Khi doanh nghiệp thấy sự thân thiện của Chính phủ, pháp luật đồng bộ hiệu quả, người ta mới yên tâm bỏ tiền ra đầu tư, làm ăn./.