Hội thảo lần này là sự kiện đầu tiên mà Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức nhằm kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng FIA cho biết, mặc dù số lượng dự án đầu tư sang Nhật Bản chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ nhưng các dự án hoạt động khá hiệu quả, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm…đem lại giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao năng lực cho các kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin của Việt Nam. Tuy nhiên ông Hoàng nhấn mạnh, để hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như đầu tư sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam trước tiên phải có một thái độ nghiêm túc vì Nhật Bản là một thị trường khó tính với những quy định chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu kỹ về luật pháp và tập quán của nước Nhật.

Cụ thể hơn, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng FIA dẫn chứng, đến nay, Việt Nam có 35 dự án đầu tư tại Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đạt 6,6 triệu USD. Nhật Bản đứng vị trí thứ 45/68 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là thông tin – truyền thông, khoa học và công nghệ, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, du lịch; dịch vụ lưu trú, nhà hàng; cơ sở chế biến, chế tạo.

Ông Vũ Văn Chung cho biết Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện 2007; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, ký kết năm 2004; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần năm 1995. Năm 2014 mối quan hệ giữa hai nước đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Với tư cách là cơ quan cấp Giấy phép đăng ký đầu tư ra nước ngoài, ông Chung cho biết, Cục Đầu tư nước ngoài tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

“Trong quá trình hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài nếu gặp vấn đề cần hỗ trợ về pháp lý, bảo vệ quyền lợi, doanh nghiệp có thể đến đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại để nhận hỗ trợ”, ông Chung cho biết thêm.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo

Ông Shigeki Maeda, Phó Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho rằng Việt Nam đang thay đổi và phát triển không ngừng. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực khác nhau. Trước hết về du lịch, năm 2015, lượng khách du lịch từ Nhật Bản sang Việt Nam là 670 nghìn người. Lượng khách từ Việt Nam sang Nhật Bản là 190 nghìn người. Trong 5 năm gần đây số lượng lưu học sinh Việt Nam sang Nhật Bản tăng 10 lần (khoảng 39.000 lưu học sinh).

Tuy nhiên theo ông Shigeki Maeda sự đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản vẫn còn hạn chế.

Theo ông Shigeki Maeda, có rất nhiều lý do để mời gọi doanh nghiệp Việt Nam. “Nếu doanh nghiệp Việt Nam thuyết phục được các bà nội trợ khó tính Nhật Bản, thì doanh nghiệp đó có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng ở bất kỳ thị trường khó tính nào thế giới”, ông nói.

Hơn nữa, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sức tiêu thụ lớn; số lượng du khách ngày càng tăng và dự kiến có thể đạt 40 triệu lượt khách vào năm 2020 từ mức 20 triệu lượt hiện nay. Do đó, sẽ có cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, thực phẩm… Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cố gắng thay đổi, cải cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. Jetro có trung tâm tư vấn thị trường, hỗ trợ thủ tục hành chính như đăng ký thuế, bảo hiểm…cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội, cho hay các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Nhật Bản cần lưu ý là chi phí nhân công tại Nhật Bản rất cao. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam nên gia công tại thị trường Việt Nam và chuyển thành quả sang Nhật Bản như các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam vẫn đang làm, hoặc phải gửi lao động Việt Nam biết tiếng Nhật sang Nhật Bản làm việc. “Doanh nghiệp cần phải chủ động nguồn nhân lực cho mình”, ông Atsusuke Kawada lưu ý.

Để hiểu rõ hơn về thị trường Nhật Bản, ông Atsusuke Kawada khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên liên hệ với Jetro để được cung cấp thông tin kinh doanh tại Nhật Bản hoặc được tư vấn riêng về chính sách và luật pháp khi tham gia vào thị trường này./.