Ngày 9/1 tại TP. Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, hạ tầng và dịch vụ logistics của vùng còn nhiều hạn chế. Đó là sự phân tán và quy mô nhỏ lẻ của hệ thống cảng và sự vận hành thiếu đồng bộ giữa các phương thức vận tải đa phương tiện mà chủ yếu là giữa phương thức vận tải thủy và bộ…

Thời gian qua, các nhà đầu tư cần tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư vào một số dự án logistics trọng điểm cho vùng, nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 vì theo dự báo lượng hàng qua cảng của Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030 là rất lớn.

Cụ thể, đến năm 2020 là từ 25-28 triệu tấn/năm, đến năm 2030 khoảng từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm; trong đó, hàng tổng hợp, container chiếm từ 21 - 26 triệu tấn/năm. Đây cũng là vùng có hệ thống sông ngòi dày đặc kết nối với nhiều vùng trong nước và quốc tế. Đây cũng là vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ra khắp thế giới…

Theo Bộ Giao thông Vận tải, vùng Tây Nam Bộ bao gồm 13 tỉnh, thành phố; trong đó, các tỉnh nằm giáp phía biển Đông có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giao thông vận tải và hệ thống logistics…

Tuy nhiên, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics trong vùng vẫn còn kém phát triển. Quy mô của các trung tâm logistics còn nhỏ (dưới 10 ha) và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành phố, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế có tiềm năng phát triển...

Mặt khác , chi phí cho hoạt động logistics chiếm khoảng từ 10-13% GDP ở các nước phát triển, khoảng từ 15-20% ở các nước đang phát triển. Việc phát triển dịch vụ logistics cũng như giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam tương đương khoảng 20 đến 25% GDP cả nước, đã dẫn đến sự lãng phí nhiều nguồn lực trong nước; chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam…

Từ chuyến thị sát cảng Cần Thơ sáng hôm qua, Phó Thủ tướng nêu ví dụ trong cùng một khu, cảng Cái Cui Vinalines có năng lực bốc xếp kém nhưng cảng Tân Cảng- Cái Cui cách đó 200 m thì hoạt động hiệu quả.

“Nếu không tổ chức lại thì hết nhiệm kỳ cũng không xóa được khoảng cách 200 m này”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

“Thêm vào đó, trung tâm kho lạnh của Trung tâm logistics Mekong (thuộc địa phận Hậu Giang) cách cảng Cần Thơ vài km hoạt động tốt, liệu có cần thiết phải đầu tư thêm cảng Hậu Giang? Và Cần Thơ cũng có cần phải xây dựng thêm 1 kho lạnh nữa không”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần phải liên kết để phát triển thay vì đầu tư phân tán, nhỏ lẻ.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trách nhiệm của các bộ, địa phương, Hiệp hội và các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về logistics - ngành có khả năng đóng góp tỷ lệ 10% GDP vào năm 2020 và góp phần nâng cao cạnh tranh quốc gia.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. Trong đó hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những điểm chồng chéo, chưa thống nhất; tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics, khuyến khích và huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển dịch vụ này.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, nhất là Bộ Công Thương và các địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công Thương trao đổi với các địa phương liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư trung tâm logistics tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương liên quan rà soát, tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đẩy mạnh lưu thông trong khu vực và kết nối với Campuchia; nghiên cứu, hoàn thiện quy chế về vận tải xuyên biên giới và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hình thức này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa lĩnh vực logistics vào danh mục ưu tiên kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực logistics trong khu vực./.