Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thủy điện Mỹ Lý và thủy điện Nậm Mô 1 trên cơ sở hồ sơ đã được Bộ Công Thương thẩm tra và sau khi thực hiện các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, di dân, tái định cư của các dự án theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (đối với phần trên lãnh thổ Việt Nam) và pháp luật Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (đối với phần trên lãnh thổ Lào).

Dự án thủy điện Mỹ Lý và Thủy điện Nậm Mô 1 nằm ở thượng nguồn sông Cả, liên quan đến 2 nước Việt Nam - Lào.

Trong đó, thủy điện Mỹ Lý với công suất lắp máy Nlm = 250MW, sản lượng điện bình quân hàng năm Eo = 914,2 triệu kWh. Dự án thủy điện Nậm Mô 1 với công suất lắp máy Nlm = 90MW, sản lượng điện bình quân hàng năm Eo= 326,8 kWh. Hai dự án đi vào vận hành sẽ đóng góp đáng kể thu ngân sách của tỉnh Nghệ An gần 400 tỷ đồng/năm. Dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mô 1 là hai dự án có quy mô tương đối lớn; theo quy hoạch điện VII bổ sung, các dự án này sẽ phát điện thương mại lên điện lưới điện quốc gia vào năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý các dự án thủy điện Mỹ Lý, thủy điện Nậm Mô 1 được áp dụng cơ chế ưu đãi quy định tại mục b, Khoản 2, Điều 3 của Quyết định số 482/QĐ-TTg, ngày 14/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Nghệ An quan tâm, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả, đồng thời không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và công tác quản lý biên giới quốc gia, tạo điều kiện cho quan hệ hợp tác phát triển giữa Lào và Việt Nam bền vững.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và Chủ đầu tư xem xét cụ thể về giá bán điện của các dự án, tương tự như cơ chế và lộ trình xem xét giá điện của các dự án thủy điện đầu tư tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào bán điện về Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh các hạng mục lưới điện 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tiến độ Đường dây 500 kV mạch kép Quảng Trạch - Vũng Áng, chiều dài 18 km, từ giai đoạn 2021 - 2025 lên giai đoạn 2016 - 2020.

Bổ sung Đường dây 500 kV mạch kép Quảng Trạch - Dốc Sỏi, chiều dài khoảng 485 km và Sân phân phối 500 kV Quảng Trạch, vận hành giai đoạn 2016-2020.

Điều chỉnh, thay thế Đường dây 500 kV mạch đơn Dốc Sỏi - Pleiku, chiều dài 190 km bằng Đường dây 500 kV mạch kép Dốc Sỏi - Pleiku 2, chiều dài 200 km và đẩy sớm tiến độ từ giai đoạn 2026 - 2030 lên giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng các dự án lưới điện 500 kV bổ sung Quy hoạch nêu trên theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường.

Đồng thời rà soát, điều chỉnh các dự án lưới điện trong tình hình thay đổi quy mô cũng như tiến độ nguồn điện của các khu vực, đảm bảo hiệu quả kinh tế, tránh lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung đẩy nhanh tiến độ các bước chuẩn bị và thực hiện các dự án, chịu trách nhiệm về việc đưa các dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch nêu trên vào vận hành trước năm 2020, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cơ chế thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng để đưa các dự án vào vận hành theo kế hoạch; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.