UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) trong quá trình triển khai mở rộng dự án ở Bắc Ninh.

UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến nay SDV đã nâng mức đầu tư lên 4 tỷ USD. Theo báo cáo, SDV có tổng doanh thu năm 2015 là 2,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 2,5 tỷ USD. Luỹ kế đến tháng 10/2016, SDV đã có doanh thu 5,9 tỷ USD.

Tiến độ giải ngân dự án của Samsung tính đến hết năm 2016 ước đạt 2,5 tỷ USD. Dự kiến năm 2017, Samsung sẽ giải ngân hết số vốn đăng ký là 4 tỷ USD tại Bắc Ninh.

Tỉnh Bắc Ninh khẳng định, SDV đã thực hiện đúng tiến độ, theo kế hoạch khi toàn bộ dự án Module 3 đi vào hoạt động sẽ là tiền đề thu hút nhiều công ty vệ tinh phục vụ cho SDV.

Đáng chú ý, SDV đã bày tỏ nguyện vọng muốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD giải ngân trong 5 năm kể từ năm 2018. Qua đó, nâng mức tổng đầu tư dự án tại Bắc Ninh lên 6,5 tỷ USD.

Song điều kiện SDV đặt ra là dự án hiện tại của công ty tại Bắc Ninh được chuyển sang hưởng ưu đãi dành cho dự án có quy mô lớn với mức ưu đãi tương đương như mức ưu đãi đang hưởng hiện là dự án công nghệ cao. SDV đề nghị khoản đầu tư bổ sung 2,5 tỷ USD cũng được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như đang áp dụng hiện nay.

Tỉnh Bắc Ninh cho biết, với đề nghị ưu đãi thuế và tiêu chí dự án vượt quá thẩm quyền nên chủ động báo cáo Chính phủ. Đồng thời, tỉnh này kiến nghị Thủ tướng giữ nguyên phần ưu đãi bổ sung, doanh nghiệp được hưởng thêm 3 năm mức giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án tại Khu công nghiệp Yên Phong của SDV khi chuyển từ dự án công nghệ cao sang dự án có quy mô lớn.

Hiện tại Samsung có 4 nhà máy sản xuất tại Việt Nam: Samsung Electronics Việt Nam (SEV) thành lập năm 2008 với tổng vốn 2,5 tỷ USD ; Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT) xây dựng năm 2013 có vốn đầu tư 5 tỷ USD; Samsung Display Vietnam (SDV) năm 2014 với số vốn 4 tỷ, tiến tới thêm 2,5 tỷ sẽ nâng tổng vốn lên 6,5 tỷ; Samsung CE Complex (SEHC) năm 2015 với 1,4 tỷ USD.

Trong năm 2016 Chính phủ cũng đã phê duyệt thêm dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung tại thành phố Hà Nội trị giá 300 triệu USD.

Như vậy, kể từ khi nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng năm 2008, Samsung đã có trên dưới 10 lần tăng vốn và đầu tư các dự án mới. Số vốn lần sau luôn cao hơn số vốn lần trước. Nếu khoản đầu tư 2,5 tỷ được phê duyệt thì sau 8 năm số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam sẽ tăng gấp tới 30 lần!

Ngoài những lý do thường được hay nhắc đến là điểm nhấn để thu hút đầu tư tại Việt Nam như nhân công giá rẻ, chính trị ổn định, vị trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng, Samsung cũng có những lý do riêng./.