Chính thức khởi động từ tháng 2/2015, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận là hợp phần của tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ gồm ba đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ

Cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với miền Tây Nam bộ. Ảnh: Xuân Hoa

Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 55km. Điểm đầu dự án tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang), điểm cuối tại nút giao với QL30 tại Km 100+750. Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư dự kiến 14.678 tỷ đồng.

Dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn I hoàn thành thông xe được kỳ vọng sẽ giảm thiểu mật độ giao thông trên Quốc lộ 1 và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai thi công rất chậm. Riêng đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới ở giai đoạn làm thủ tục…

Dự án đoạn cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang có chiều dài trên 51km, thiết kế 6 làn xe đi qua 26 xã của 5 huyện, thị xã của tỉnh. Dự án được đầu tư gần 15.000 tỷ đồng do 6 doanh nghiệp tham gia theo hình thức BOT.

Dự án này có 7 gói thầu xây lắp, có hơn 2.300 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời bàn giao mặt bằng. Qua hơn 25 tháng khởi công, đến nay, tiến độ vẫn rất chậm. Trong số 7 gói thầu được khởi công, hiện chỉ có 3 gói thầu đã tập kết được thiết bị, đang lập văn phòng, nơi ở cho công nhân. Duy nhất gói thầu số 1, địa phương mới bàn giao 12 km mặt bằng và đơn vị thi công đạt giá trị 70 tỷ đồng, chiếm gần 50% nguồn vốn đầu tư.

Theo kế hoạch trước đây, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ làm hai làn xe cao tốc, có bố trí làn dừng xe khẩn cấp và được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Giai đoạn 2 sẽ đầu tư mở rộng lên sáu làn xe. Hình thức đầu tư được đề xuất là vốn vay ODA.

Kế hoạch ban đầu dự kiến sẽ hoàn thành đường cao tốc này vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, vì nhiều lý do sau hai lần khởi công, dự án đến nay vẫn chưa được thi công. Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, sau khi điều chỉnh dự án sẽ tiến hành khởi công trong năm 2017.

Ngày cuối cùng của tháng 3, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra các Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, đối với Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm rõ cơ chế quản lý đối với trạm thu phí Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương sau khi kết thúc thời gian nhượng quyền thu phí của Dự án vào ngày 31/12/2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phê duyệt điều chỉnh Dự án trong tháng 3 năm 2017; Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét để cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án điều chỉnh. Nhà đầu tư chủ động huy động mọi nguồn lực của mình để triển khai Dự án theo đúng quy định của pháp luật cũng như cam kết trong Hợp đồng đã ký; bảo đảm đưa Dự án vào khai thác trong năm 2019.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức Hợp đồng BOT phù hợp với các quy định có liên quan; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (FS) trong tháng 3 năm 2017; khẩn trương tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai Dự án. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; bảo đảm đưa Dự án vào khai thác đồng bộ với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2019.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư đối với các dự án trên địa bàn.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bộ, ngành liên quan, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn phải nâng cao trách nhiệm, năng lực trong quá trình triển khai các dự án; tăng cường phối hợp với các địa phương có liên quan; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong thi công, không gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng./.