Đại sứ Australia, ông Craig Chittick và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione ký văn kiện đối tác mới

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam vui mừng chia sẻ: “Một trong những thành tích lớn đã đạt được trong giai đoạn một của quan hệ đối tác này là giúp chính phủ Việt Nam hoàn thành Báo cáo Việt Nam 2035, đề ra tầm nhìn táo bạo và đầy tham vọng về phát triển kinh tế trong vòng 20 tới. Trong giai đoạn hai sắp tới, chính phủ Australia sẵn sàng cộng tác với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam thực hiện tầm nhìn đó và mang lại lợi ích cho mọi người dân”.

Khẳng định mối quan hệ đối tác đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp Việt Nam thực hiện chương trình phát triển của mình, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cả hai bên đã cùng nhau hỗ trợ thực hiện các vấn đề chính sách và cải cách mấu chốt, qua đó làm tăng gấp bội tác động và mức độ ảnh hưởng lên nhiều lần so với thực hiện riêng rẽ.

“Cách thức hỗ trợ đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên và mang lại kết quả phát triển tốt đẹp hơn cho Việt Nam”, ông Ousmane Dione khẳng định.

Trong buổi ký kết này, Australia sẽ cấp 25 triệu Đô-la Australia để thực hiện quan hệ đối tác này trong vòng 5 năm tới. Quan hệ đối tác mới này giữa Australia và Ngân hàng Thế giới sẽ giúp Việt Nam thực hiện các ưu tiên cải cải cách đề ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào thương mại và tăng năng lực cạnh tranh, giao thông, dân tộc thiểu số, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hai chủ đề xuyên suốt là giới và đổi mới sáng tạo.

Năm 2012, Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới đã thiết lập một mối quan hệ đối tác để hỗ trợ quá trình này. Nhờ lợi thế và kinh nghiệm của Australia và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hai bên đã xác định và thực hiện các ưu tiên chung, qua đó tạo nên tác động to lớn hơn.

Trong giai đoạn một, mối quan hệ đối tác này đã đạt được các thành tựu chính như sau:

- Tăng cường kết nối giao thông, giúp doanh nghiệp, nông dân và nhóm người nghèo tiếp cận thị trường tốt hơn nhờ xây dựng trên 200 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp đường quốc lộ và xây mới 87 cây cầu;

- Tăng cường cung cấp nước sạch, dịch vụ vệ sinh môi trường nhờ áp dụng công nghệ điện thoại di động vào theo dõi sử dụng nước; và

- Cải tiến chiến lược giảm nghèo cho các cộng đồng nông thôn khu vực vùng núi phía Bắc thông qua tư vấn chính sách trong quá trình xây dựng Luật Dân tộc Thiểu số.

Trong giai đoạn hai này, hai bên sẽ tiếp tục phát huy thành công đạt được trong giai đoạn trước nhằm đạt được tiến bộ to lớn hơn trong công cuộc giúp đỡ Việt Nam thực hiện các ưu tiên cải cách kinh tế. Đó là 5 lĩnh vực: Thương mại và năng lực cạnh tranh, giao thông, năng lực ứng phó biến đổi khí hậu tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, giới và dân tộc thiểu số./.