Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban. 2 Phó Trưởng Ban gồm: Thứ trưởng Bộ Công Thương (Phó Trưởng Ban thường trực) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Các Ủy viên gồm một Thứ trưởng của các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; một lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ban công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền giải quyết các vấn đề về kinh tế - tài chính và kỹ thuật liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các công việc khác theo phân công của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ban công tác thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ về kinh tế - tài chính và kỹ thuật; giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung vượt thẩm quyền.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Ban công tác. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành phần Tổ giúp việc Ban công tác bao gồm cán bộ, chuyên viên các bộ, ngành, đơn vị tham gia Ban công tác và mời các chuyên gia thích hợp khi cần thiết.

Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009. Dự án gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2000 MW để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án một cách thận trọng, chắc chắn, theo đúng quy định của pháp luật.

Lý do dừng thực hiện Dự án được đưa ra:

Công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm. Việc dừng thực hiện Dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua.

Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra./.