Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành

Với chiều dài biên giới hơn 333 km, có 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu chính, trước đó khu vực biên giới Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ cho thành lập 3 Khu kinh tế cửa khẩu gồm: Sóc Giang, Trà Lĩnh và Tà Lùng.

Sau đó, theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng đã đồng ý sáp nhập 3 khu kinh tế trên nhằm giúp địa phương tập trung nguồn lực và thống nhất phương hướng để phát triển khu kinh tế cửa khẩu một cách toàn diện, phát huy hiệu quả tổng hợp để khai thác lợi thế khu vực cửa khẩu biên giới.

Ngày 11/03/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.

Tổng diện tích tự nhiên của khu kinh tế này là 30.130,34 ha, bao gồm 37 xã và 3 thị trấn biên giới từ xã Đức Long huyện Thạch An đến xã Cần Nông của huyện Thông Nông.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Quy mô, vị trí từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.

Hoạt động và các cơ chế, chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng thực hiện theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu và các văn bản khác có liên quan./.