Cụ thể, tính đến ngày 20/06/2017, cả nước có có 1.183 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,14 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra còn có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016.

Thu hút FDI 6 tháng đầu năm phân theo ngành

Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 9,48 tỷ USD, chiếm 49,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư 5,25 tỷ USD; đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD.

Có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản hiện đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD, chiếm 26,45% tổng vốn đầu tư. Thứ hai là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,95 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,48 tỷ USD.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hoạt động của khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) đạt 70,81 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 69,25 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 70,83% kim ngạch xuất khẩu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có gần 20 tỷ USD vốn FDI “đổ về” Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 60,59 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 60,3% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, trong 6 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,22 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 8,66 tỷ USD không kể dầu thô. Tổng vốn FDI đạt trên 306 tỷ USD.

Với hoạt động thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm như vậy, lũy kế đến ngày 20/6/2017, cả nước có 23.594 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 306,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 162,57 tỷ USD, bằng 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Tính đến tháng 06/2017, có 120 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 54,5 tỷ USD (chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản đứng thứ hai với 46,19 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư); tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Hồng Kông.

Theo đó, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 41,67 tỷ USD (chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Bình Dương với 28,66 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư); Bà Rịa – Vũng Tàu với 26,72 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư); TP. Hà Nội với 26,3 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư)./.