Kỳ vọng về tháp truyền hình cao nhất trên thế giới

Nhớ lại đầu tháng 03/2015, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho phép VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.

Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Trước đó, dự án này từng được nhắc tới khi Hà Nội tiến hành quy hoạch 4 khu đô thị mới năm 2002 và được Thủ tướng chấp thuận theo đề nghị của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào cuối năm 2014.

Theo đó, dự án tháp truyền hình Việt Nam được đánh giá có quy mô tầm cỡ, tính chất đặc thù và thuộc loại cao nhất trên thế giới, nên trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư, cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động. Phần vốn góp của Đài Truyền hình Việt Nam trong công ty cổ phần là vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam; phần vốn góp của SCIC là vốn kinh doanh. Khi dự án có hiệu quả, Đài Truyền hình Việt Nam và SCIC được phép bán cổ phần để thu hồi vốn.

Sau đó, sáng 10/3/2015, tại Lễ ký kết thoả thuận hợp tác Dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh chia sẻ: “Chúng ta sẽ xây dựng không chỉ có cái tháp mà chúng ta còn tạo ra được những cơ sở hạ tầng, kinh doanh giải trí. Chúng tôi có mơ ước là sẽ phải có một trung tâm biểu diễn thật tương xứng - nơi chúng ta có thể làm tất cả những sự kiện lớn nhất, có khả năng đáp ứng 8000 – 10000 khán giả tham gia”.

Ông Trần Bình Minh cho hay, độ cao của tháp dự kiến sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m).

Dự kiến, tháp Truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam.

Theo đó dự án có tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.

Khi hoàn thành, tháp truyền hình của Việt Nam xây dựng tại Hà Nội sẽ có chiều cao 636 mét, cao hơn 2 mét so với tháp truyền hình đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Sky Tree.

Dự kiến, tháp truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.

VTV, SCIC từ bỏ “giấc mơ”

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.

Bộ Tài chính cho hay, từ cuối tháng 5/2017, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam - một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới.

Lý do VTV đưa ra là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.

VTV cũng cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã có chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC.

Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án./.