Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.

Văn bản nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa khu công nghiệp Vĩnh Khúc diện tích 180 ha và khu công nghiệp Ngọc Long diện tích 100 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020; bổ sung khu công nghiệp Yên Mỹ diện tích 280 ha vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, quy hoạch các KCN tỉnh Hưng Yên đã loại bỏ 5 KCN là: Vĩnh Khúc, Ngọc Long, Bãi Sậy, Dân Tiến, Thổ Hoàng.

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được thực hiện theo Công văn số 1038/TTg-KTN ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 trình Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai.

Trước đó, vào tháng 06/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.

Theo đó, đưa ra khỏi quy hoạch 3 KCN với tổng diện tích 700 ha gồm các KCN: Bãi Sậy (150 ha), Dân Tiến (150 ha), Thổ Hoàng (400 ha); giữ nguyên diện tích 3 KCN gồm: Kim Động (100ha) và Lý Thường Kiệt (300 ha), Tân Dân (200 ha).

Đồng thời, điều chỉnh tăng diện tích KCN Phố Nối A từ 594 ha lên 596,44 ha; điều chỉnh giảm diện tích KCN Phố Nối B từ 480,94 ha xuống 467,01 ha và đổi tên, tách thành 2 KCN, gồm: KCN Dệt may Phố Nối (121,81 ha) và KCN Thăng Long (345,2 ha).

Ngoài ra, điều chỉnh giảm diện tích 5 KCN gồm: Minh Đức từ 200 ha xuống 198 ha, Vĩnh Khúc từ 380 ha xuống 180 ha, Yên Mỹ II từ 230 ha xuống 190 ha, Ngọc Long từ 150 ha xuống 100 ha, Minh Quang từ 350 ha xuống 150 ha.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục đưa khu công nghiệp Vĩnh Khúc và khu công nghiệp Ngọc Long ra khỏi quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ, tổ chức thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan và chủ đầu tư xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập khu công nghiệp theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành; thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp; thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định hiện hành; có giải pháp ổn định đời sống và có phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.

Trong Quý II năm 2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 18 dự án đầu tư, trong đó 08 dự án trong nước và 10 dự án nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.665 tỷ đồng và 40 triệu USD.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có thêm 28 dự án đăng ký đầu tư vào trong các KCN trên địa bàn tỉnh, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 11 dự án trong nước và 17 dự án nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.931 tỷ đồng và 107,6 triệu USD, tổng diện tích đã cho thuê lại trên 44 ha.

Các dự án đầu tư tập trung các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp linh kiện điện, điện tử; sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may và các sản phẩm phụ trợ ngành dệt may.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện điểu chỉnh tăng vốn đầu tư cho 21 dự án, trong đó 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 08 dự án có vốn đầu tư trong nước, với vốn đầu tư điều chỉnh tăng 32,3 triệu USD và 430 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng là 140 triệu USD và 3.361 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, vốn đầu tư nước ngoài bằng 91%, vốn đầu tư trong nước bằng 105,6%.

Bên cạnh đó, thu hồi chấm dứt hoạt động trước thời hạn 04 dự án, trong đó 03 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 01 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký giảm là 8,43 triệu USD và 67 tỷ đồng. Đến nay, trong các KCN của tỉnh có 332 dự án còn hiệu lực, trong đó 147 dự án có vốn đầu tư trong nước và 185 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 19.072 tỷ đồng và 2.925 triệu USD.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê tại các KCN 655 ha.

Trong 6 tháng đầu năm có thêm 11 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng tổng số dự án đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh lên 266 dự án, chiếm 80,4% tổng số dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 78 triệu USD và 640 tỷ đồng; nâng tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án 12.600 tỷ đồng (chiếm 70,5% tổng vốn đầu tư đăng ký) và vốn đầu tư thực hiện của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2.400 triệu USD (chiếm 83,45% % tổng vốn đầu tư đăng ký).

Các dự án đi vào hoạt động đã tạo giá trị doanh thu ước đạt 2.400 triệu USD, giá trị nhập khẩu khoảng 800 triệu USD, giá trị xuất khẩu khoảng 1.000 triệu USD, thu ngân sách nội địa khoảng 900 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho khoảng 44.650 lao động./.