Liên quan tới câu hỏi của báo giới về dự án mỏ sắt Thạch Khê , Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, xuất phát từ 4 quan ngại: Năng lực nhà đầu tư; Tác động môi trường; Thị trường tiêu thụ quặng sắt; Giao thông vận tải.

Tổng chi phí Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11/2016) là gần 1.600 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ bị ảnh hưởng là gần 3.000 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3-4 thế hệ cùng ở trong một nhà.

Đó là chưa kể số tiền đã bỏ ra thuộc Đề án 946 (Đề án phát triển bền vững kinh tế xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê) với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Giá trị thực hiện Đề án này ước đạt khoảng hơn 354 tỷ đồng.

”Đây là một kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên sự cân nhắc tính toán rất kỹ lưỡng. Trực tiếp Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng không những chỉ nghe báo cáo, xem tài liệu mà trực tiếp đồng chí đi thị sát và thấy quan ngại. Từ đấy chúng tôi đã có đề xuất như vậy”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Trao đổi thêm với báo giới về dự án mỏ sắt Thạch Khê và ý kiến bất đồng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Công Thương, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê là chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ những khóa trước từ cách đây chục năm.

Trữ lượng quặng sắt 500 triệu tấn là rất lớn, là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta. Có thể nói rằng Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đã có những chi phí cho vấn đề đầu tư nghiên cứu lập dự án.

“Hôm nay, chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì không có cơ sở. Về vấn đề này, phía Hà Tĩnh cũng có quan điểm khác nhau, các bộ ngành có quan điểm như thế”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết, hôm làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, theo quan điểm của Thủ tướng, thì đây là vấn đề phải có đánh giá, căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào; cần có một cơ quan đánh giá một cách độc lập. Các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật, kinh tế, môi trường đánh giá kỹ việc này.

“Đây là một việc rất hệ trọng, sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, lúc đó sẽ quyết định. Tinh thần là chúng ta phải ngồi với nhau khách quan, chứ chúng ta ngồi đây bảo không hay có thì cũng không có cơ sở. Theo tôi nên thống nhất đánh giá như thế”, Bộ trưởng Dũng thể hiện rõ quan điểm./.

Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) ngày 17/5/2007 đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty.

Sau đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông... nhưng dự án vẫn bất động. Năm 2016 ,Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất hồi sinh dự án.