Phó Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Exxon Mobil đẩy nhanh tiến độ đàm phán trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên, sớm khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (trái) tiếp ông Paul Greenwood, Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao việc Exxon Mobil tham gia phát triển, khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc làm cụ thể, sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, triển khai dự án Cá Voi Xanh sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là điều kiện quan trọng để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí đặt tại khu vực miền Trung.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tình hình triển khai dự án của Exxon Mobil trong việc đạt một số mốc tiến độ quan trọng trong thời gian qua, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có thể đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Voi Xanh vào năm 2023.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil Paul Greenwood khẳng định, dự án khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh có vai trò rất quan trọng đối với Tập đoàn trong việc đẩy mạnh hợp tác đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến các sản phẩm dầu khí.

Ông Paul Greenwood cũng cho biết thời gian tới, sẽ cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm nghiên cứu triển khai các dự án về khai thác, chế biến dầu khí khác tại Việt Nam.

Thời gian qua, Exxon Mobil đã triển khai nhiều phần việc quan trọng trên hiện trường cũng như đàm phán với các cơ quan của Việt Nam về các nội dung chi tiết của dự án.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Tập đoàn cũng đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một số nội dung cần được tháo gỡ để các bên liên quan có thể sớm đạt được thoả thuận cuối cùng.

Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh nằm tại lô 117, 118, 119 và 120 thuộc thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật Biển Quốc tế. Việt Nam đã cấp phép thăm dò cho cho Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) theo đúng quy định.

Mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Theo kế hoạch, Dự án sẽ do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ làm nhà điều hành.

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN) cho biết, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi. 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai.

Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW. Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023.

Cả hai nhà máy xử lý khí và điện này sẽ đặt tại (H. Núi Thành). Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi (trong Khu kinh tế Dung Quất) với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023. Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9-10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Tổng mức đầu tư toàn dự án của PVN vào khoảng 4,6 tỷ USD. Đời dự án khoảng 25 năm; doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu đời dự án toàn Tổ hợp khoảng 60 tỷ USD; trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ USD.

Cụ thể, sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước 3.900 tỷ đồng/năm. Nhà máy điện 2 tổ máy sẽ nộp ngân sách Nhà nước dự kiến 600 tỷ đồng/năm. Ngoài việc tạo một nguồn thu ngân sách Nhà nước rất lớn, dự án còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.