Tại phiên chấp vấn, nhiều đại biểu quốc hội đã thể hiện sự lo lắng về những tồn tại và khó khăn trong công tác đảm bảo quản lý chất lượng và hiệu quả về đầu tư công. Hai tư lệnh ngành cùng trả lời chất vấn về đầu tư công.

Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường

Đại biểu lo lắng về hiệu quả của của đầu tư công

Cho rằng hiệu quả của của đầu tư công mới là vấn đề quan trọng đáng quan tâm chứ không chỉ riêng việc kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn - TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm, vấn đề số vốn chỉ là mặt vỏ ngoài còn hiệu quả đầu tư mới chính là linh hồn.

Đại biểu cho rằng, nợ công không xấu, mà đầu tư không hiệu quả mới gây đến thiệt hại vô cùng. Chúng ta vừa phải chịu áp lực để trả tiền gốc và tiền lãi, lại vừa phải bù lỗ cho các doanh nghiệp mà chúng ta đầu tư không hiệu quả, điển hình là 12 doanh nghiệp đội vốn đầu tư, gây thất thoát nặng.

Theo đại biểu, bù lỗ như vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe kinh tế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Do vậy, đề nghị cùng với việc kìm hãm, giảm gia tăng nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cần báo cáo thêm trước Quốc hội về hiệu quả đầu tư ra sao?

Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh - Hoà Bình cho rằng, giai đoạn 2005-2010 được cho là giai đoạn khá rực rỡ của đầu tư công và hệ quả là dấu hiệu xuất hiện rất nhiều nguy cơ về vỡ nợ công ngày càng nợ rõ và để cứu tinh cho tình trạng này thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792 ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn từ trái phiếu Chính phủ, hệ lụy là hàng ngàn công trình quốc kế dân sinh trong khắp cả nước rơi vào đình đốn và giãn hoãn.

Giai đoạn 2015-2020, mặc dù Quốc hội đã có nghị quyết về đầu tư công cho cả giai đoạn tổng mức khoảng độ 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn trình Quốc hội những đề án, dự án quốc gia và vùng với phần vốn rất lớn, trong đó khả năng cân đối gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo kế hoạch đầu tư công năm 2017 của Chính phủ có 5 tồn tại hạn chế, trong đó có 4 tồn tại hạn chế liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công đó là nguy cơ để dẫn đến phá vỡ kế hoạch nợ công cho giai đoạn 2015 và 2020.

Đại biểu Sinh lo lắng, lịch sử năm 1792 có lặp lại vào năm 2021 khi chúng ta kết thúc chu kỳ đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020 với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến an toàn nợ công.

Nợ đọng và ứng sẽ được tập trung ở 2016 - 2020 để xử lý dứt điểm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn và Nguyễn Tiến Sinh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, chất lượng hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm và nằm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công. Về lĩnh vực quản lý nhà nước thì thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành, các địa phương trong vấn đề sử dụng.

“Về Bộ Tài chính, thì chúng tôi đang triển khai các nhiệm vụ như nâng cao hiệu quả của sử dụng vốn vay rồi chuyển cấp phát sang cho vay lại rõ trách nhiệm hơn, rồi hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, rồi phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về nợ công”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.

Là Bộ quản lý trực tiếp về đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công, thì việc quyết định đầu tư còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả của Trung ương, địa phương.

Cụ thể, mỗi một giai đoạn 2005 - 2010; 2011 - 2015, trong mỗi giai đoạn này, có khoảng hơn 20.000 dự án cả lớn lẫn bé, cả của địa phương, cả bộ, ngành quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, dẫn đến dừng, giãn, hoãn rất lớn.

Khi đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 1792 và sau đó luật hóa lên thành Luật Đầu tư công. Nhờ đó, giai đoạn 2016 – 2020, chỉ còn hơn 1000 dự án nữa và đã bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách.

Về phần nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã được tập trung ở giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý dứt điểm.

Vấn đề thứ hai, các dự án phê duyệt có một tổng mức đầu tư nhiều dự án không sát với tình hình thực tế, vượt lên rất nhiều so với tính toán. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ vừa qua đã giao cho Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan phải xây dựng các định mức để tính toán làm cơ sở để xây dựng tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư có một tổng mức đầu tư hợp lý.

Vấn đề thứ ba, về triển khai đầu tư hiện nay, do phải thực hiện nhiều các thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, đã làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên, buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí lại phải dừng, hoãn. Những vấn đề này lớn liên quan ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công vừa qua.

Phải tranh thủ nguồn ưu đãi cao đang hết vào năm 2017 và năm 2018

Về hướng thời gian sắp tới, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ trình kế hoạch ban hành tái cơ cấu đầu tư công.

Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp rà soát lại toàn bộ bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, nhưng giải quyết được vấn đề thủ tục thật thuận lợi, thật nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công, trong đó có Nghị định 136.

Về vấn đề nợ công, liên quan đến vay nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, vừa qua Quốc hội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo đó vốn của nước ngoài ODA xử lý là 300.000 tỷ trong 2 triệu tỷ tổng đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.

“Hiện nay, chúng ta ký trong giai đoạn này vượt so với 300.000 là 1,9 tỷ vốn cấp phát tương đương khoảng 42.000 tỷ. Nếu Quốc hội còn 30.000 vốn dự phòng, nếu bổ sung cho kế hoạch trung hạn đối với số này và khả năng giải ngân có thể đạt 1,4 tỷ USD tương đương với 30.000 tỷ dự phòng. Như vậy, tất cả các dự án này vẫn đang nằm trong kế hoạch trung hạn 300.000 tỷ, mà chúng ta đang kiểm soát được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, các dự án ODA vay nước ngoài hiện nay đang chuyển sang một giai đoạn là nước có thu nhập trung bình. Các nước đã bắt đầu giảm ODA ưu đãi chuyển sang một giai đoạn mới, đó là vay thương mại, tức là có lãi suất cao hơn và điều kiện là thời gian vay ngắn hơn, thời gian trả nhanh hơn.

“Chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải đẩy nhanh triển khai các thủ tục cần thiết để giải quyết được các vấn đề cho các dự án sử dụng các nguồn ưu đãi của các tổ chức cũng như các nhà tài trợ trong năm 2017, 2018 nên các dự án trong năm 2017, 2018 chúng ta phải tập trung đẩy nhanh, tranh thủ nguồn ưu đãi cao đang hết vào năm 2017 và năm 2018. Còn sau năm 2018 chúng ta chuyển sang vay kém ưu đãi thì chúng ta sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cung cấp thêm thông tin./.