Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết số 44/2017/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn,

Theo đó, trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 179 kiến nghị của cử tri và đã tích cực triển khai nghiên cứu và đã có văn bản trả lời đầy đủ 179 kiến nghị này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công đã được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai trong nhiều năm qua, trong đó chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công.

Tính riêng trong 02 năm 2016 và năm 2017, đã tổ chức kế hoạch thanh tra 16 cuộc thanh tra việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quá trình thực hiện dự án; việc xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản các tỉnh Thái Bình, Hòa Bình, Trà Vinh, Phú Yên, Tuyên Quang, Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và Cà Mau.

Tính đến tháng 9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang triển khai 13 cuộc thanh tra, trong đó đã kết thúc thanh tra tại 11 địa phương, đang tiến hành thanh tra tại 02 địa phương.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, tổ chức có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong việc triển khai và chấp hành pháp luật trong đầu tư công.

Đồng thời kiến nghị xử lý về mặt kinh tế với tổng số tiền là: 1.511,2 tỷ đồng, trong đó: Kiến nghị giảm trừ khi thanh toán, quyết toán: 32 tỷ đồng; Xuất toán, thu hồi về ngân sách: 17 tỷ đồng; Kiến nghị xử lý khác về mặt kinh tế: 1.461,3 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 44/2017/QH14, Thanh tra Bộ đã có văn bản thông báo định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018 gửi Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng điểm như:

(1) Chấp hành pháp luật về đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương;

(2) Các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển, sử dụng vốn ODA...;

(3) Các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Công tác thanh tra nhằm chú trọng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, tránh gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Để tăng cường hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp sau :

- Tiến hành rà soát các dự án và các quyết định đầu tư chưa thực hiện và không phù hợp với quy hoạch, có thời gian phê duyệt quá dài để có biện pháp xử lý cần thiết, phù hợp với quy định.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những bất cập, sai sót trong đầu tư phát triển trên địa bàn.

- Kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ cho phù hợp với việc phân cấp trong đầu tư, đảm bảo quản lý và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả.

- Các đơn vị được phân cấp đầu tư chủ động rà soát, sắp xếp lại danh mục các dự án đầu tư, xác định các dự án đầu tư ưu tiên, tính cấp thiết, cấp bách và xác định nguồn vốn để đảm bảo bố trí vốn tập trung, đủ vốn, đúng mục tiêu và thời gian hoàn thành dự án. Hạn chế phê duyệt các dự án đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, dẫn tới đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn.

- Việc bố trí kế hoạch vốn trong thời gian tới thực hiện theo đúng yêu cầu của Luật đầu tư công.

- Tăng cường kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ quyết toán dứt điểm các công trình, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

- Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách chi cho đầu tư phát triển của UBND cùng cấp đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách và các văn bản pháp luật có liên quan./.