Bên cạnh những cơ hội đột phá mà số đem lại,cần lường trước rất nhiều thách thức, khó khăn

Trước diễn biến gia nhập thị trường tài chính ngân hàng ngày càng sâu của các công ty fintech và sự phát triển của công nghệ số hóa, các nghiên cứu gần đây trên thế giới đưa ra 4 xu hướng kịch bản lớn làm thay đổi bức tranh tổng quan về ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

Nguồn: Oliver Wyman

4 kịch bản với số hóa ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam

Các xu hướng này chủ yếu phản ánh những chuyển dịch mạnh mẽ về công nghệ dẫn tới những tác động làm thay đổi toàn bộ diện mạo các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng số hóa.

Đó là các yếu tố bao gồm: sự thay đổi căn bản về trải nghiệm khách hàng, khách hàng khó tính hơn, ít trung thành hơn; Sự gia tăng các hoạt động phi trung gian, nói cách khác vai trò trung gian của ngân hàng sẽ không còn là thế độc tôn trên thị trường mà được thay thế bởi cung ứng trực tuyến trên nền tảng công nghệ (platform của P2P lending, hay P2P payment của Fintech hay Mobile money của các công ty bưu chính viễn thông...);

Bên cạnh đó có sự xuất hiện các nguồn dữ liệu khổng lồ và được tích hợp xử lý thu thập tự động, phân tích bởi công nghệ Bigdata sẽ tạo ra bước ngoặt về phát triển doanh thu trên quy mô lớn, ngân hàng có được lợi thế này; Công nghệ phát triển đòi hỏi sự thay đổi về môi trường pháp lý (quan điểm cởi mở, đột phá không đi theo lối mòn) để hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các mô hình hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng mới.

Với 4 xu hướng nêu trên, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định dòng chảy số hóa lĩnh vực ngân hàng có khả năng cao sẽ xảy ra theo 4 kịch bản.

Trong đó kịch bản 1 sẽ xuất hiện người chơi mới (ví dụ Fintech, Big Tech), ở đó các ngân hàng hiện hữu sẽ có bên thắng và bên thua cuộc. Ở kịch bản 2, chuyên gia này cho rằng ngân hàng với các mô hình truyền thống vẫn chiếm ưu thế với việc tích hợp theo chiều dọc từ sản phẩm dịch vụ đến khách hàng và quản lý nguồn lực tài chính.

Kịch bản 3 tập trung vào cuộc cách mạng về ngân hàng, ở đó công nghệ và các quy định quản lý mở hơn sẽ làm giảm các rào cản gia nhập thị trường, có thêm nhiều người chơi mới, ngân hàng chỉ còn là các bên cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đối tác (kết nối mở API với bên thứ 3) mà không trực tiếp tương tác với khách hàng. Còn đối với kịch bản 4, các ngân hàng hiện tại chuyển đổi mô hình để tồn tại, ở đó các ngân hàng chuyển sang hoạt động theo từng mô-đun và chuyên biệt hóa.

Theo ông Hòe, mặc dù thời gian diễn ra việc chuyển đổi số cho đến khi số hóa thành công hoạt động ngân hàng là còn tùy thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số ở mỗi quốc gia. “Tuy nhiên, vấn đề xây lựa chọn kịch bản tối ưu trong quá trình thay đổi để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường ở mỗi ngân hàng khi hoạch định chiến lược phát triển sẽ là vô cùng quan trọng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngân hàng Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình số hóa?

Căn cứ vào các tiêu chí phân đoạn về quy trình số hóa, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng thương mại Việt Nam hầu hết đang ở giai đoạn thứ 2 (chuyển đổi kỹ thuật số).

Theo cách định nghĩa về ngân hàng số của chuyên gia ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.

Hiện nay, các NHTM Việt Nam khá tích cực trong việc số hóa các hoạt động ngân hàng của mình với 2 cách tiếp cận điển hình. Chẳng hạn NHTMCP Quân đội tập trung tăng cường trải nghiệm khách hàng, thu hút khách hàng bằng cách mở rộng tương tác với khách hàng thông qua các minigame. Trong khi đó, Techcombank tập trung vào việc số hóa quy trình vận hành và quy trình xử lý nội bộ trong ngân hàng.

Đánh giá về thực trạng bức tranh số hóa của ngân hàng tại Việt Nam,bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Fintech, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, phần lớn các tổ chức tín dụng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Cụ thể, khảo sát cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng có nhận thức về chuyển đổi số; trong đó có 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh; 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.”Đây là xu hướng khá phù hợp với xu thế chung trên thế giới bởi theo Citi GPS - Global Perspectives & Solutions, đến năm 2025, dự kiến sẽ có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số”, bà Dương nhận định.

Cơ hội song hành thách thức

Các chuyên gia cho rằng quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới: trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; An toàn bảo mật hơn. Một khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Các hoạt động ngân hàng dựa trên cơ sở công nghệ tài chính đã được triển khai ở Hongkong gần đây là ví dụ điển hình cho những cơ hội giá trị này với nhiều dịch vụ tiện ích bao gồm: mua bảo hiểm du lịch trên ví điện tử, ứng dụng ngân hàng cảm ứng, tài khoản tiền gửi liên kết với ví điện tử, ứng dụng ngân hàng sử dụng mã bảo mật mềm, mở tài khoản từ xa, các dịch vụ thanh toán nhanh theo thời gian gần như thực, thư tín dụng với công nghệ blockchain, ứng dụng webchat và chatbox nhằm tự động hóa quá trình chăm sóc khách hàng, Robot tư vấn viên trong tư vấn đầu tư, ứng dụng AI/học máy trong phòng, chống rửa tiền, Quản lý gian lận, định danh nhân thân và bảo mật trên cơ sở phân tích dữ liệu, AI, đồ họa tri thức…và nền tảng hoạt động ngân hàng kết nối mở (Open API banking).

Thậm chí ngân hàng số hóa đầu tiên tại Hồng kong đã cho phép mở tài khoản ngân hàng từ xa, nhận biết khách hàng điện tử mà không cần gặp trực tiếp, không cần bằng chứng về địa lý (chỉ cần cung cấp địa chỉ email, số điện thoại di động, thẻ chứng minh công dân Hồng Kong HKID), và điền vào một mẫu đơn đơn giản. Nhờ đó, chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi tung ra dịch vụ này, ngân hàng đã thu hút được hơn 7 nghìn khách hàng mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đột phá mà số hóa đem lại, các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy những khó khăn trong quá trình số hóa và của những người đi đầu trong lĩnh vực số hóa là không nhỏ, đặc biệt là hành lang pháp lý đang còn rất thiếu ở Việt Nam. Đây cũng là thực trạng từ kết quả khảo sát năm 2016 của Viện Chiến lược Ngân hàng khi có tới 84% ý kiến từ các tổ chức tín dụng cho rằng khó khăn thách thức lớn cho quá trình số hóa ngân hàng là hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ.

Theo ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số thể hiện ở việc chậm ban hành các quy định pháp lý, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính; Bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dung.

Bên cạnh đó, khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ như sự cạnh tranh các công ty công nghệ tài chính. Trong khi chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số; sớm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo kiện kết nối mở cho các ngân hàng truy xuất theo thẩm quyền được duyệt và có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3. Đối với các ngân hàng, cần xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể trong việc thực hiện phát triển ngân hàng số, nhất là phân bổ nguồn lực phù hợp để đầu tư cho công nghệ mới và nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số, từ đó đẩy mạnh quá trình số hóa ngân hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy./.