Tuy nhiên, trang trại Nguyễn Hồ cũng như các trang trại khác muốn nhân rộng, phát triển tiếp để xây dựng thương hiệu thì rất cần sự hỗ trợ về vốn từ phía Nhà nước.

Chủ trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là một đơn vị điển hình chăn nuôi chim cút có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam, số lượng đàn chim cút của trang trại Nguyễn Hồ lúc khởi đầu chỉ là 2 nghìn con, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng đàn chim cút tăng lên khoảng 200 nghìn con. Trang trại đã tạo công ăn việc làm cho ba chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Trung bình mỗi tháng trang trại Nguyễn Hồ sản xuất ra hàng chục triệu trứng cút đưa vào thị trường. Phần lớn trứng cút của trang trại Nguyễn Hồ xuất khẩu sang Nhật Bản, tổng thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng/ tháng.


Phân loại trứng cút

Chúng tôi có cuộc tiếp xúc với ông Trần Nguyễn Hồ chủ trang trại chim cút Nguyễn Hồ cho biết, ông còn mơ ước xây dựng thương hiệu sản phẩm trứng cút trở thành thương hiệu chủ lực của ngành chăn nuôi để xuất khẩu sang các nước trong khu vực và sang các thị trường khó tính, mơ ước là vậy nhưng việc thực hiện thì gặp không ít khó khăn.

Khó khăn lớn nhất với trang trai chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ đó là vốn đầu tư. Từ lúc ông Nguyễn Hồ mở trang trại chăn nuôi chim cút tính đến nay đã được 15 năm, luôn phát triển về quy mô và số lượng không ngừng tăng, năm sau thu nhập luôn cao hơn năm trước.

Tất cả là nhờ vào áp dụng giống tốt, cải tiến chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, có nhiều đơn vị trong và ngoài nước tìm đến hợp tác sản xuất sản phẩm trứng cút nhưng để thực hiện được điều này trang trại chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ cần phải có vốn đầu tư. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn nhưng khi tiếp cận nguồn vốn, người dân lại gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục. Hiện nay với uy tín của trang trại chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ, mỗi khi có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi, nhờ vào uy tín mà chủ trang trại đã vay hàng tỷ đồng của ngân hàng mà không cần phải thế chấp tài sản, thế nhưng ngược lại, để tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách của xã hội hết sức khó khăn.


Công nhân đang thu nhặt trứng cút


Ông Trần Nguyễn Hồ- Chủ trang trại chim cút Nguyễn Hồ

Theo ông Nguyễn Hồ, trang trại phát triển được như hiện nay là nỗ lực của tất cả các thành viên trong gia đình ông, không ngừng học hỏi, cả một quá trình dài cố gắng để tạo ra được thương hiệu trứng cút Nguyễn Hồ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, vốn là thị trường khó tính và đòi hỏi cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn phía Nhật Bản đặt ra rất nghiêm ngặt như trứng chim cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng (thay vì nằm lệch một bên) và không có dư lượng kháng sinh, trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen...

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết: Tuy nhu cầu nhập khẩu trứng cút đóng lon của Nhật Bản rất lớn, nhưng hiện tại chỉ có trang trại Nguyễn Hồ là đủ điều kiện xuất trứng cút đóng lon sang thị trường này.

Ông chủ trang trại Nguyễn Hồ không những làm kinh tế giỏi, làm giàu cho quê hương, ông còn có những việc làm hết sức nhân văn như sẵn sàng hỗ trợ cho bà con trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi chim cút và con giống. Ngoài ra ông Nguyễn Hồ còn có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, góp tiền xây nhà tình nghĩa ở địa phương. Ông trích một phần lợi nhuận của trang trại, bỏ ra hàng trăm triệu đồng tài trợ học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Hồ nói: Dù làm bất cứ nghề gì thì điều đầu tiên đặt ra với ông đó là đạo đức nghề nghiệp, không vì lợi nhuận trước mặt sản xuất ra sản phẩm sự dụng hóa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trước những thuận lợi đang có về phát triển chăn nuôi chim cút ở Tiền Giang, một điều kiện tốt để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn ở tỉnh, thì người dân rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về các chính sách, thủ tục để dân có thể tiếp cận nguồn vốn mở rộng mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế mạnh hơn nữa.